Phát triển ngành công nghiệp khai khoáng hiện đại

Theo lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, VN muốn cộng tác với các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực để phát triển công nghiệp khai khoáng.
Gần 200 đại biểu của các quốc gia trên thế giới đã tham dự Hội nghị khoáng sản công nghiệp Nam Á, do Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tạp chí Khoáng sản quốc tế Metalbual tổ chức ngày 28/6, tại Hà Nội.

Đây là cơ hội cho các nhà khoa học và nhà đầu tư quốc tế hiểu rõ thêm về tiềm năng khoáng sản của Việt Nam, qua đó đầu tư hiệu quả hơn trong lĩnh vực khoáng sản công nghiệp.

Ông Đỗ Cảnh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, Việt Nam có 24 loại khoáng sản chế biến khoáng chất khác nhau như vonfram, chì kẽm, đá vôi, titan, đồng, mangan, sắt, apatít… Đây là tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Do vậy, Việt Nam luôn mong muốn được cộng tác với các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn và công nghệ mới, nhằm khai thác và chế biến hiệu quả hơn nữa tài nguyên khoáng sản hiện có, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường đang gia tăng, giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo hướng hiện đại.

Tiến sĩ Trần Kim Phượng, Viện Địa chất và Khoáng sản, đã giới thiệu với các đại biểu quốc tế về công trình nghiên cứu nguyên liệu khoáng sản cho ngành công nghiệp chịu lửa ở Việt Nam. Đó là Feldspar, một trong những khoáng chất công nghiệp có rất nhiều ứng dụng trong sản xuất và đời sống, đặc biệt là phục vụ trong sản xuất gốm sứ và thủy tinh.

Tiến sĩ cho biết, để chế tạo thủy tinh trong suốt Feldspar phải chứa không quá 0,1% oxit sắt và đổi với thủy tinh lõm không mầu, giới hạn này khoảng 0,3%. Do đó trong quá trình tuyển phải loại bỏ các khoáng vật chưa sắt như, pyrite, limonit, mangetit, granat, turma-lin, biotit và hornblen. Sự có mặt của sắt và titan dưới dạng ilmenit trong Feldspar là yếu tố có hại.

Ở Việt Nam có trữ lượng Feldspar khá lớn và phân bố ở nhiều địa phương, nhưng chất lượng quặng không cao, hàm lượng silic lớn, hàm lượng oxit rất cao. Do đó, trong quá trình khai thác và chế biến cần hướng tới nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khác nhau của sản xuất như pha trộn đều nguyên liệu, hạn chế thạch anh và loại bỏ các khoáng vật phụ, thực hiện quá trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.

Trong khi các ngành công nghiệp thủy tinh gốm sứ và vật liệu xây dựng cao cấp ở Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa, sự thay đổi thất thường chất lượng nguyên liệu rất dễ dẫn đến tổn thất lớn trong quá trình sản xuất, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, giải pháp kỹ thuật mang tính quản lý này cần được chú trọng thực hiện nghiêm ngặt, nhất là về phân tích thành phần hóa học.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác điều tra thăm dò địa chất, việc thăm dò các mỏ nguyên liệu gốm sứ và thủy tinh, trong đó có Feldspar, trong thời gian gần đây đã được chú ý đến. Tuy nhiên, trong thăm dò chưa chú ý đúng mức nghiên cứu công nghệ tuyển nâng cao chất lượng nguyên liệu cũng như các thí nghiệm cho các mục đích sử dụng khác nhau; gây khó khăn rất lớn cho các nhà đầu tư có nhu cầu khai thác Feldspar, cũng như chưa tạo được các loại sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu. Do vậy, cùng với việc đầu tư thăm dò những khu vực mỏ có triển vọng, cần đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ tuyển, công nghệ chế biến và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về Feldspar cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Các nhà khoa học và nhà đầu tư quốc tế cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp khoáng sản tại Việt Nam, đặc biệt là chính sách thu hút các nhà đầu tư./.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục