Nga khẳng định không thay đổi lập trường về Syria

Nga không thay đổi lập trường về Syria, giữa lúc có tin Tổng thống al-Assad có thể thất bại trong nỗ lực trấn áp lực lượng chống đối.
Ngày 14/12, Nga một lần nữa tuyên bố không thay đổi lập trường về vấn đề Syria, giữa lúc có tin nói một quan chức ngoại giao Nga vừa nhận định chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể thất bại trong nỗ lực trấn áp lực lượng chống đối.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander LuKashevich nói: "Chúng tôi (Chính phủ Nga) chưa bao giờ thay đổi lập trường về vấn đề Syria và sẽ không bao giờ làm như vậy."

Trước đó, ông LuKashevich cũng ra thông báo khẳng định Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyệt nhiên không đưa ra tuyên bố hoặc có cuộc trả lời phỏng vấn đặc biệt nào với báo giới trong vài ngày qua.

Thông báo trên được xem là sự phản bác thông tin trước đó nói rằng ông Bogdanov, phái viên của Điện Kremlin về vấn đề Trung Đông, vừa đưa ra nhận định rằng sau 21 tháng giao tranh với các lực lượng chống đối, chính phủ của Tổng thống al-Assad đang mất dần quyền kiểm soát đất nước và xung đột chính trị tại Syria có nguy cơ sẽ kéo dài thêm nhiều tháng nữa, sẽ có thêm hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc đã và đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Syria cũng như lo ngại sâu sắc về tình hình bạo lực đang diễn ra ở đây. Trước báo giới, ông Hồng Lỗi cho rằng một giải pháp chính trị sẽ đáp ứng tốt nhất các lợi ích cơ bản cho người dân Syria và phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc kêu gọi các bên ở Syria ngừng bắn ngay lập tức và thực hiện tiến trình chuyển giao chính trị do người dân Syria trên cơ sở tuyên bố Geneva nhằm khôi phục an ninh và ổn định ở Syria. Nhà ngoại giao này còn cho biết Trung Quốc đã và sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho công dân Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Syria.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron trong ngày 14/12 nói rằng "sự thờ ơ và không hành động" không phải là một sự lựa chọn cho Syria. Ông Cameron cho biết EU "thấy kinh hoàng" vì tình hình ngày càng xấu đi ở Syria và sẽ xem xét mọi sự lựa chọn nhằm hỗ trợ phe đối lập và bảo vệ dân thường ở Syria.

Tổng thống Pháp Francois Hollande thì nói rằng ông al-Assad đang thất bại trong cuộc giao tranh chống lực lượng nổi dậy vì thế phải từ bỏ quyền lực càng nhanh các tốt.

Liên quan đến kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria theo đề nghị của Ancara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 14/12 bất ngờ thăm căn cứ không quân Incirik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi sẽ triển khai tên lửa và lính Mỹ.

Chuyến thăm diễn ra sau khi ông Panetta ký lệnh điều 2 khẩu đội tên lửa Patriot và 400 binh sĩ đến Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Đức cũng đã thông qua kế hoạch triển khai tên lửa Patriot, mở đường để Đức điều số lượng khẩu đội tên lửa và quân nhân tương đương của Mỹ đến giúp Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ biên giới nước này.

Các cuộc giao tranh kéo dài 21 tháng qua giữa quân chính phủ Syria và lực lượng đối lập đang trở nên ngày càng đẫm máu và có nguy cơ đe dọa an ninh của nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận giữa các nước thành viên NATO về ngăn chặn nguy cơ chiến sự tại Syria lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, 6 khẩu đội tên lửa Patriot sẽ được điều đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài 4 khẩu đội của Mỹ và Đức còn có 2 khẩu đội của Hà Lan. Cả 6 khẩu đội này sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của NATO và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng 1/2013. Có tin nói mỗi khẩu đội bao gồm 4 bệ phóng và mỗi bệ phóng có khả năng vận hành 16 tên lửa.

NATO khẳng định việc triển khai tên lửa Patriot đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhằm mục đích phòng thủ, cụ thể là nhằm ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ người dân và lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời "tháo ngòi" cuộc khủng hoảng leo thang ở biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không hỗ trợ vùng cấm bay hay thực hiện bất kỳ hoạt động tiến công nào./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục