Xe điện giả thương hiệu

Nạn buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xe đạp điện

Nhiều cửa hàng buôn lậu, làm giả thương hiệu đối với mặt hàng xe đạp điện, thậm chí bán đắt 3-4 lần so với giá gốc để kiếm lời.
Theo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, hiện đang có tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng xe đạp điện, thậm chí gian lận rất lớn so với giá gốc để kiếm lời. Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, qua kiểm tra 20 cửa hàng trên các tuyến phố Bà Triệu, phố Huế (quận Hai Bà Trưng) và Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), cơ quan chức năng đã tạm giữ 148 xe đạp điện có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các hãng nổi tiếng như Honda, Asama, Giant, Yamaha... và 144 chiếc không có hóa đơn chứng từ. Đối chiếu với chứng từ gốc, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội còn phát hiện giá bán của mỗi chiếc xe đạp điện này cao hơn gấp 3-4 lần so với giá thực tế. Giá nhập về chỉ từ 2-3 triệu đồng/chiếc, nhưng bán ra lên tới 10-12 triệu đồng/chiếc. Như vậy, ước tính số xe bị tạm giữ và số tiền chênh lệch do làm ăn bất chính có thể lên tới hàng tỷ đồng. Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng Tư do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/5, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, ngoài xe đạp điện thì việc nhập lậu các mặt hàng thực phẩm như cá tầm, ếch... cũng nóng trở lại. Riêng trong tháng Tư, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an môi trường đã bắt và tịch thu hàng chục tấn cá tầm và ếch đang trên đường đưa về các chợ đầu mối tiêu thụ. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng và thiếu các công cụ hỗ trợ cần thiết nên theo ông Lam, rất khó để kiểm soát hết thị trường cũng như đối phó ngay lập tức với các hành vi buôn lậu của các đối tượng. "Cục Quản lý thị trường đang chuẩn bị đề án để có thể định hướng và kiểm soát thị trường trong thời gian lâu dài, tuy nhiên vấn đề cốt lõi là vẫn phải tập trung nâng cao thu nhập và đời sống cư dân vùng biên giới cũng như chất lượng hàng trong nước," ông Lam kiến nghị. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường cần đi trước một bước đồng thời tăng cường công tác dự báo và nắm tình hình, không để các đối tượng buôn lậu tổ chức thành các đường dây, tụ điểm lớn gây khó khăn cho sản xuất trong nước và kiểm soát thị trường. "Một khi các lực lượng ra quân đồng bộ cũng như làm quyết liệt thì những hành vi buôn lậu sẽ giảm rõ rệt," Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh./.
Thống kê trong 4 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 18.378 lượt và xử lý 6.545 vụ vi pham, với số tiền thu trên 18 tỷ đồng, phạt hành chính 12 tỷ đồng và truy thu thuế trên 160 triệu đồng.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục