Doanh nghiệp lo phải liên tục điều chỉnh giá cước

Xăng dầu tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, vì thế khi giá xăng tăng cao như hiện nay thì chuyện các đơn vị vận tải tăng giá vé là không thể đừng. Mức điều chỉnh chủ yếu của các hãng taxi từ 5-7% trong giới hạn cho phép bù đắp giá nhiên liệu. Tuy nhiên, một số hãng khác thì đang nghe ngóng vì đợt điều chỉnh trước quá gần. Mỗi lần điều chỉnh giá cước đều rất tốn kém vì khâu chi phí tăng đột xuất, trong khi doanh thu sụt giảm do phải tốn kém nhiều khoản thu phụ phí.
Sau hai lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt tăng giá cước. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải nhận định, nhiều doanh nghiệp đều lo ngại việc liên tục điều chỉnh giá cước sẽ kéo theo tốn kém.

Giá cước tăng từ 4%-33%

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, từ  ngày 1 đến 7/4, có gần 60 tuyến xe trong các bến đã điều chỉnh tăng giá cước. 

“Có rất nhiều đơn vị khai thác vận chuyển hành khách đã điều chỉnh giá vé tăng từ 4-33% tại các tuyến xe khách liên tỉnh xuất phát tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát  và Gia Lâm,” ông Trung chia sẻ.

Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát có 4 đơn vị tăng giá, bến xe Mỹ Đình có 9 đơn vị và bến xe Gia Lâm có 5 đơn vị vận tải đã điều chỉnh giá cước đồng loạt sau khi giá nhiên liệu có sự thay đổi liên tục trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, trên thực tế, chúng tôi không thể cấm các doanh nghiệp tăng giá vì họ đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đồng ý cho tăng. Ngay cả việc quản lý vé xe bến cũng không có quyền mà chỉ là bán vé thuê cho doanh nghiệp.

“Còn rất nhiều doanh nghiệp cũng đang hoàn tất thủ tục xin tăng phí vận tải. Nếu đề nghị của các doanh nghiệp được cơ quan quản Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì chúng tôi cũng không thể không đồng ý. Vì vậy thời gian tới giá vé xe liên tỉnh sẽ còn tăng ở nhiều chặng tuyến khác,” ông Tiến cho biết thêm.

Hầu hết đại diện Giám đốc các bến xe đều yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá quá cao, sẽ hạn chế việc tăng giá đến mức thấp nhất có thể và không để các doanh nghiệp tăng giá tùy tiện gây mất trật tự tại bến và khiến hành khách lo ngại khi đi xe.

Lý do các doanh nghiệp đưa ra là do "áp lực" của giá nhiên liệu và chi phí đầu vào tăng cao khiến hoạt động kinh doanh bị thua lỗ, vì vậy phải tăng giá cước vận chuyển hành khách trên các chặng tuyến để bù chi phí giá nguyên liệu đầu vào.

Đối với các doanh nghiệp vận tải đề nghị tăng giá, phải cung cấp đầy đủ hồ sơ đăng ký giá cước được các cơ quan chức năng chấp thuận cho tăng giá. Các đơn vị có mức tăng giá vé đột biến phải giải trình và có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý có thẩm quyền,” ông Trung cho hay.

Trong khi các doanh nghiệp vận tải hành khách tăng giá hàng loạt, thì các hãng taxi Hà Nội có phần dè dặt.

Các hãng như Hà Nội Taxi, Taxi CP, Taxi 3A thuộc Taxi Goup cũng chính thức áp dụng mức giá mới từ 3/4 khi tăng thêm 500 đến 700 đồng/km.

Hiện giá cước mới của các hãng này là 13.200 đồng/km đối với xe 4 chỗ (giá cũ là 12.700 đồng/km). Mức giá này được áp dụng cho 30km đầu tiên, từ km thứ 31 giá cước còn 10.000 đồng/km. Còn với xe 7 chỗ giá từ 13.500 đồng/km tăng lên là 14.200 đồng/km.

Hệ lụy từ điều chỉnh giá cước

Ông Nguyễn Mạnh Hùng , Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định: “Giá xăng đã tăng thêm 10% so với giá cũ, dầu diesel tăng 15%, khiến chi phí vận tải lập tức tăng 5% đối với xe chạy xăng và 7% đối với xe chạy dầu. Hiệp hội cũng ngay lập tức có công văn gửi các đơn vị thành viên để định hướng cách ứng phó phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Hùng, xăng dầu tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, vì thế khi giá xăng tăng cao như hiện nay thì chuyện các đơn vị vận tải tăng giá vé là không thể đừng.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, mức điều chỉnh chủ yếu của các hãng taxi từ 5-7% trong giới hạn cho phép bù đắp giá nhiên liệu. Tuy nhiên, một số hãng khác thì đang nghe ngóng vì đợt điều chỉnh trước quá gần.

“Mỗi lần điều chỉnh giá cước là tốn kém vì khâu chi phí tăng đột xuất, trong khi doanh thu sụt giảm do phải tốn kém nhiều khoản thu phụ phí. Đơn cử, chỉ việc chỉnh đồng hồ, lập trình lại giá cước cho hàng chục nghìn taxi đã tốn mất từ 500.000-700.000đồng,” ông Bình nhấn mạnh.

Đưa thêm dẫn chứng cho hệ lụy từ điều chỉnh giá xăng, ông Bình nói: “Thời gian lập trình lại giá cước mất nhiều thời gian, taxi lại phải in lại giá cước niêm yết trên xe. Mỗi xe tốn từ 60.000 – 80.000đồng/biển giá dán trên thành xe. Việc điều chỉnh giá cước kéo theo giá xăng dầu tăng liên tục khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

“Vì thế, nhiều hãng taxi cũng chưa điều chỉnh giá cước ngay để chờ điều chỉnh một lần cho đỡ phiền phức và đỡ mất nhiều khoản phí phụ khác nhau,” ông Bình nhận định.

Hiện các Hiệp hội đều đề nghị Bộ Tài chính cần tính toán thời gian và mức tăng sao cho phù hợp, dãn khoảng cách thời gian khi tăng giá xăng dầu, chứ không tăng liên tục gấp rút và quá cao như hiện nay.

Trong khi chưa biết xăng dầu có dấu hiệu dừng lại hay không thì các đơn vị vận tải chỉ còn cách tiết kiệm, quy hoạch tốt hơn điểm dừng, đón khách, tránh để xe phải chạy lòng vòng đón khách; quản lý tốt người lao động, phương tiện nhằm tiết kiệm tối đa chi phí là biện pháp để bù lỗ duy nhất./.

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục