Dân số tăng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu

Dân số tăng liên tục cũng là một nhân tố gây biến đổi khí hậu, vì càng nhiều người sống trên Trái Đất sẽ càng thải ra nhiều khí CO2.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy các thảm họa thiên nhiên do hậu quả của biến đổi khí hậu đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua.

Đồng thời việc dân số tăng liên tục cũng là một nhân tố gây biến đổi khí hậu thế giới, vì càng nhiều người sinh sống trên Trái Đất sẽ càng thải ra nhiều lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới ở Copenhagen, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (Unfpa) đã cảnh báo dân số thế giới tăng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Unfpa công bố tại Berlin ngày 18/11 khẳng định, việc dân số tăng trong quá khứ phải chịu trách nhiệm đối với khoảng 50% lượng phát thải CO2 trên thế giới.

Do vậy, sẽ là rất thiếu sót nếu Hội nghị khí hậu thế giới ở Copenhagen tháng 12 tới chỉ thảo luận về công nghệ làm giảm lượng khí thải CO2, mà không đề cập tới chính sách phát triển dân số, bởi đầu tư cho kế hoạch hóa gia đình sẽ góp phần vào chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tình trạng tăng dân số diễn ra đặc biệt nhanh ở các nước nghèo kém phát triển. 41% dân số châu Phi là dưới 15 tuổi, trong khi ở châu Âu chỉ là 15%. Châu Phi không chỉ là lục địa có dân số trẻ nhất trên thế giới, mà các nước Nam sa mạc Sahara cũng nghèo nhất thế giới.

Những người nghèo nhất trong số người nghèo phải chịu hậu quả nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu. Hạn hán, sa mạc hóa, đất đai khô cằn đã đẩy 25 triệu người phải rời bỏ quê hương; ước tính tới năm 2050 sẽ có 200 triệu người phải tị nạn do biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, 1/10 dân số thế giới đang sống ở các khu vực ven biển. Biến đổi khí hậu dẫn đến mực nước biển dâng cao có thể khiến 650 triệu người buộc phải rời bỏ quê hương đi tìm nơi cư trú mới.

Báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo rằng cả nạn tăng dân số lẫn biến đổi khí hậu đều diễn ra trầm trọng nhất ở các nước đang phát triển.

Hiện trên Trái Đất có gần 7 tỷ người sinh sống; dự đoán tới năm 2050 sẽ tăng lên hơn 9 tỷ người. Tuy nhiên, nếu hạn chế được dân số ở mức 8 tỷ người thì sẽ giảm bớt được 2 tỷ tấn khí thải CO2.

Giám đốc điều hành Quỹ dân số thế giới của Đức, bà Renate Baehr cho biết, viện trợ phát triển của cộng đồng quốc tế cho kế hoạch hóa gia đình trong những năm qua liên tục giảm.

Trong khi năm 1995 mức viện trợ là 723 triệu USD, thì nay đã giảm xuống còn 340 triệu USD/năm. Bà cũng kêu gọi các nước cần tăng đầu tư cho kế hoạch hóa gia đình./.

Nguyễn Xuân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục