TQ kêu gọi đối thoại nhằm tháo "ngòi nổ" Triều Tiên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi đối thoại trên bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn một xung đột có thể xảy ra.
Ngày 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã kêu gọi hòa bình và đối thoại trên bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn một cuộc đối đầu có thể xảy ra.

Người phát ngôn khẳng định lập trường kiên định của Trung Quốc về tình hình bán đảo Triều Tiên là hòa bình, làm dịu căng thẳng và đối thoại. Ông nhấn mạnh tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên rất phức tạp. Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động nào phá hoại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết đảm bảo hòa bình, ổn định cũng như nỗ lực tìm giải pháp thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo này.

Theo ông Hồng Lỗi, cách tiếp cận vấn đề hiệu quả nhất hiện nay là đối thoại. Các bên liên quan cần tiếp tục can dự, khởi động lại các cuộc đàm phán và giải quyết những mối lo ngại thông qua đàm phán sáu bên, từ đó thúc đẩy phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney ngày 8/4 đã hoan nghênh các nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên với việc kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế trong hành động và lời nói.

Ông Jay Carney cho biết Wasington sẽ tiếp tục phối hợp với Bắc Kinh, Mátxcơva và các đối tác khác nhằm kêu gọi Bình Nhưỡng thực thi các nghĩa vụ quốc tế.

[Không thấy bóng dáng lao động Triều Tiên ở Kaesong]

Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 8/4 nêu rõ quyết định của Triều Tiên đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong và rút toàn bộ 53.000 công nhân khỏi khu công nghiệp này là "không chính đáng" và "Bình Nhưỡng sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả."

Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định Seoul sẽ giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, nhưng quyết đoán và sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn cho các công nhân cũng như bảo vệ tài sản của Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định việc Triều Tiên đóng cửa vĩnh viễn khu công nghiệp Kaesong là "rất đáng tiếc" và sẽ "không giúp đạt được mong muốn của Triều Tiên là cải thiện kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân."

Hơn 300 công nhân Hàn Quốc đã rời Kaesong và trở về Hàn Quốc do lệnh cấm của Triều Tiên. Theo số liệu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính đến đêm 8/4, vẫn còn 475 công nhân Hàn Quốc ở khu công nghiệp này.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã tổ chức hàng loạt cuộc gặp với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Seoul để trao đổi về những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.

Tại các cuộc gặp, Bộ Ngoại giao đã thông báo tóm tắt “tình hình nghiêm trọng” trên bán đảo Triều Tiên cũng như những đánh giá, nhận định của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục