Thị trường chứng khoán VN-Index tuần “nhạy cảm”

Diễn biến "xấu bất thường" từ khủng hoảng nợ của Hy Lạp và sự sụt giảm bất ngờ của chứng khoán Mỹ đã đặt ra câu hỏi hóc búa - Kiên trì nắm giữ cổ phiếu chờ tin xấu qua đi hay tạm thời tất toán giảm tỷ trọng cổ phiếu nhằm phòng ngừa rủi ro? Các nhà đầu tư vẫn chưa ai quên “thảm họa” của các thị trường chứng khoán khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra từ cuối năm 2008, làm phần lớn cổ phiếu giảm giá từ 70-90%.
Trước diễn biến “xấu bất thường” từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm điểm mạnh trong các phiên giao dịch cuối tuần trước.

Đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ có mức sụt giảm điểm kinh hoàng trong phiên ngày 6/5 (gần 350 điểm) và phiên ngày 7/5, Dow Jones vẫn tiếp tục mất gần 140 điểm.

Kiên trì nắm giữ cổ phiếu chờ tin xấu qua đi hay tạm thời tất toán giảm tỷ trọng cổ phiếu nhằm phòng ngừa rủi ro? Câu hỏi khá hóc búa không chỉ với các nhà đầu tư mà đối với cả các nhà phân tích.

Cắt lỗ để yên tâm?

“Phiên giao dịch đầu tuần này tôi sẽ tiếp tục cắt lỗ những cổ phiếu đã giảm giá, đặc biệt là các blue chips. Còn những cổ phiếu trong tài khoản chưa giảm đến giá mua vào có thể để lại. Nói chung, cứ có tin xấu khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh thì mình nên gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản. Một là bảo đảm an toàn vốn, hai là nếu giá chứng khoán giảm sâu sẽ có cơ hội mua được cổ phiếu rẻ, triển vọng sinh lời cao,” bà Nguyễn Hồng Mai, Trưởng phòng đầu tư Quỹ Bảo hiểm Bưu điện nói.

Với thông tin xấu từ Hy Lạp và hiện tượng sụt giảm bất ngờ của thị trường chứng khoán Mỹ, không chỉ riêng bà Mai mà phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cùng quan điểm muốn cắt lỗ.

Bởi là nhà đầu tư, chưa ai quên “thảm họa” của các thị trường chứng khoán khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra bắt đầu từ cuối năm 2008 tại phố Wall (Mỹ). Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, phần lớn cổ phiếu đều giảm giá từ 70-90%.

Do đó, trước thực tế chỉ một mình khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu, các nhà đầu tư có lý do để lo ngại khi Hy Lạp chưa phải là quốc gia duy nhất đang gặp họa mà cạnh đó còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy...

Ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán An Bình dù vẫn lạc quan với triển vọng thị trường trong trung và dài hạn, nhưng về ngắn hạn cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng “quyền” quyết định về hướng đi trong tuần này và có thể trong cả tháng 5 của VN-Index phụ thuộc phần lớn vào diễn biến khủng hoảng nợ Hy Lạp và biến động của thị trường chứng khoán Mỹ.

Nếu mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm và ngược lại.

Sẽ không giảm sâu

Ông Nguyễn Hồng Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Oceanbank cho rằng dù tin xấu xuất hiện làm thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh, nhưng riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index sẽ không giảm sâu do kinh tế vĩ mô đang có triển vọng tích cực.

Khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sẽ khó có sự lan rộng sang các nước lớn của châu Âu và trên toàn thế giới vì cả EU, Mỹ cũng như chính phủ và người dân các nước đều không muốn khủng hoảng xảy ra và họ có những biện pháp ngăn chặn việc này.

Khác với cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất năm 2008 (một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong lịch sử kinh tế thế giới nên nhiều nước đã không đánh giá đúng và chậm trễ trong việc đưa ra giải pháp hợp lý để đối phó), lần này Chính phủ các nước đã có kinh nghiệm và những biện pháp để phòng ngừa khủng hoảng quay trở lại.

Theo dõi diễn biến vừa qua tại thị trường chứng khoán Mỹ, khi Dow Jones giảm mạnh với mức giảm 8%, đã có một số lượng lớn lệnh đặt mua và đẩy giá lên. Điều này phản ánh khi cổ phiếu trở nên rẻ thì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua vào.

Quan sát phiên giao dịch cuối tuần (7/5) của thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể nhận thấy, tuy có khá nhiều nhà đầu tư đã bán cổ phiếu nhưng cũng có một lượng không nhỏ nhà đầu tư mua vào, do đó VN-Index mới rút ngắn mức điểm giảm và khối lượng giao dịch tăng vọt.

Diễn biến này chứng tỏ rất nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng tăng điểm của VN-Index trong thời gian tới nên nhân cơ hội thị trường giảm điểm (giá cổ phiếu giảm) đã mua vào. Cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng không bán tháo cổ phiếu mà ngược lại họ tiếp tục có thêm phiên mua ròng.

Và có thể nếu VN-Index giảm mạnh họ sẽ tăng cường mua vào như giai đoạn VN-Index còn ở vùng 500 đến 520 điểm. Một lý do khác có thể tin tưởng: VN-Index không những không bị ảnh hưởng mà còn có thể hưởng lợi vì các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhận thấy sự bất ổn khi đầu tư tại châu Âu sẽ chuyển vốn sang các nước “mới nổi,” trong đó có Việt Nam. Điều này được minh chứng qua nhiều khuyến nghị và đánh giá của các tổ chức nước ngoài về sự hấp dẫn trong đầu tư chứng khoán tại Việt Nam thời gian gần đây.

Giữ quan điểm lạc quan, ông Lê Trung Dũng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, bên cạnh tin tốt (giải pháp cho khủng hoảng nợ Hy Lạp) công bố trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tin tức về kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục theo hướng tích cực.

Cụ thể là việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 7/5/2010 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10% và lãi suất cho vay khoảng 12%. Tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc tăng tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng.

Đồng thời, để tiếp tục thực hiện mục tiêu nhiệm vụ năm 2010 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt được tốc độ tăng trưởng như dự kiến.

“Tôi cho rằng, với vấn đề Hy Lạp đã có giải pháp, kinh tế Việt Nam đang tích cực, đây là những cơ sở quan trọng giúp VN-Index duy trì và tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới,” ông Dũng nói./.

Xuân Hương (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục