Tỉnh Lào Cai có thêm 2 Nghệ nhân dân gian

Hai nghệ nhân ở tỉnh Lào Cai được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ở lĩnh vực sưu tầm và thể hiện dân ca, chữ viết cổ dân tộc.
Ngày 12/7, tại Sa Pa, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho hai người thuộc lĩnh vực sưu tầm và thể hiện dân ca, chữ viết cổ của dân tộc mình.

Hai người này là ông Ma Thanh Sợi, dân tộc Tày, ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên và ông Triệu Văn Quẩy, dân tộc Dao, ở xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng.

Theo ông Vàng Thung Chúng, Trưởng phòng Tổng hợp Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lào Cai, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 4 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Trước đó là ông Hoàng Sỹ Lực, dân tộc Dao, xã Trì Quang huyện Bảo Thắng; bà Hoàng Thị Cứ, dân tộc Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên.

Phát biểu tại lễ trao tặng, Giáo sư - Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh việc cần thiết và cấp bách hiện nay là đề nghị các nghệ nhân sưu tầm, hệ thống lại các phong tục tập quán và truyền dạy cho cộng đồng những nét văn hóa mang bản sắc của mỗi tộc người. Mỗi nghệ nhân là một kho tàng quý giá, nếu không biết trân trọng và khai thác, sẽ vĩnh viễn mất đi nhiều giá trị văn hóa - tri thức dân gian hết sức phong phú của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Ông Ma Thanh Sợi, một trong những điển hình của việc bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh Lào Cai. Hiện tại, cùng với việc tham gia hoàn thành tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên, ông đang sưu tầm 12 chuyên đề về vùng đất Nghĩa Đô, các địa danh tên gọi, tập quán trong việc cưới, việc tang lễ hội, văn hóa làm nhà, dựng nhà sàn, ẩm thực...

Bằng phương pháp nghiệp vụ bảo tồn văn hóa truyền thống tại địa phương do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Lào Cai hướng dẫn, ông Sợi đã sưu tầm ghi chép được hơn 300 câu tục ngữ, thành ngữ trong hệ thống văn hóa dân tộc Tày; trong đó, chủ yếu là kinh nghiệm trong cuộc sống và răn dạy con người về truyền thống gia đình, sự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước…

Ông cũng đang sưu tầm và nghiên cứu "vần lửng" trong ngôn ngữ của người Tày mà theo ông là một nét độc đáo của tiếng Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục