Chậm giải ngân các dự án FDI: Yếu tố "dự án ảo"

Theo Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thời gian qua mới giải ngân chưa đầy 40% tổng vốn đăng ký.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua mới chỉ giải ngân được chưa đầy 40% tổng vốn đăng ký.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo với chủ đề "Đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các biện pháp thúc đẩy giải ngân các dự án FDI," tổ chức ngày 2/12, tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của các ngành liên quan và đại biểu các tỉnh miền Trung (từ Thành Hóa đến Bình Thuận) và các tỉnh Tây Nguyên.

Mặc dù vậy, số vốn đã giải ngân này đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, chiếm trên 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất khẩu của khu vực này chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách; chuyển giao nhiều loại công nghệ mới vào Việt Nam; tạo việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó đặc biệt đã đào tạo được một lực lượng đông đảo cán bộ quản lý doanh nghiệp và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước.

Theo các chuyên gia, nếu có giải pháp tích cực để đưa một lượng vốn lớn trong số hơn 60% vốn đăng ký nhưng chưa được giải ngân tham gia vào nền kinh tế thì chắc chắn sẽ nâng thành quả hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài lên cao hơn.

Chậm vì những lý do khách quan

Tình trạng chậm trễ trong khi triển khai thực hiện dự án FDI có nguyên nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư không có điều kiện về thị trường, vốn, tín dụng để xây dựng các nhà máy, có nguyên nhân chủ quan từ các cơ quan Nhà nước Việt Nam như chậm giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phiền hà trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...

Một tín hiệu đáng mừng là qua phiếu điều tra do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gửi đến các đơn vị FDI, với trên 300 phiêu phản hồi, đa số doanh nghiệp đều hài lòng với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Có 60% số doanh nghiệp không có ý kiến phàn nàn khó khăn trong quá trình triển khai dự án; trong đó có hơn 20% đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ qủan lý Nhà nước đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án. Qua các kiến nghị của doanh nghiệp lần này thấy doanh nghiệp ít phàn nàn đến hệ thống thuế, chế độ tiền lương.

Từ các số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài và tổng hợp qua các phiếu khảo sát cho thấy vốn giải ngân trong 5 năm gần đây vẫn duy trì mức tương đối ổn định (trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm), ngay cả trong những giai đoạn kinh tế chung gặp khó khăn. Điều này cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam còn có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đang kinh doanh ở Việt Nam.

Trong khi cả nước đang chịu tác động tiêu cực từ mất cân bằng thương mại; nhập siêu các năm gần đây đều ở mức rất cao (năm 2006 tới 11% kim ngạch xuất khẩu và 16,4% vào năm 2010); Mặc dù vậy khu vực FDI mấy năm gần đây đạt mức xuất siêu khá cao (năm 2010 là 2,35 tỷ USD). Điều này chứng tỏ tuy có gặp khó khăn chung về thị trường tiêu thụ nhưng các sản phẩm của FDI vẫn còn có khả năng tăng xuất khẩu nhờ kỹ năng nghiên cứu thị trường trước khi lập dự án...

Xuất hiện nhiều dự án không có năng lực tài chính

Trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký là chỉ tiêu biểu hiện tổng số vốn của các dự án mới và bổ sung hàng năm, thể hiện xu thế phát triển của FDI; vốn thực hiện là chỉ tiêu quan trọng nhất, thể hiện số vốn thực nhà đầu tư nước ngoài đưa vào nước ta thông qua ngân hàng, nhập khẩu máy móc, thiết bị...

Con số cụ thể, tính đến cuối năm 2010, tổng vốn đăng ký FDI là 216 tỷ USD, vốn thực hiện là 27 tỷ USD; còn 139 tỷ USD chưa giải ngân. Dự báo khoảng 50% số vốn không có khả năng thực hiện, ước khoảng 70 tỷ USD.

Nếu bình quân trong 3 năm 2008-2010, thời kỳ đạt mức cao nhất, mỗi năm vốn thực hiện khoảng 11 tỷ USD, do vậy phải mất hơn 6 năm, có nghĩa là đến năm 2017 mới giải ngân hết số vốn đó, chưa tính đến hàng năm có khoảng 20-30 tỷ USD vốn đăng ký mới.

Tỷ lệ giải ngân so với vốn đăng ký trong 5 năm 2006- 2010, trừ năm 2008 là 18% do nhiều dự án có vốn đăng ký hàng tỷ USD, trong đó không ít dự án đã bị thu hồi giấy phép đầu tư; năm 2006 là 33%, năm 2007 là 38%, năm 2009 với 50% và năm 2010 là 62%.

Đã xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư không có năng lực tài chính, lợi dụng các địa phương "trải chiếu hoa đón nhà đầu tư nước ngoài" đã được cấp dự án lớn, nhưng không thực hiện, gây ra lãng phí công sức và vật chất, chưa có chế tài xử lý.

Tìm giải pháp giải ngân hiệu quả cho nguồn vốn FDI


Với chính sách mới về FDI xác định 4 định hướng lớn là chất lượng và hiệu quả cao; phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế ít các bon; có sự cam kết về chuyển giao công nghệ thích hợp với từng ngành, từng dự án; lao động có kỹ năng cao.

Trên cơ sở đánh gía thực trạng và định hướng mới về FDI, Hội thảo đã thống nhất cao và các ngành liên quan Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất cần rà soát các dự án chưa thực hiện theo tiêu chí lấy chất lượng làm chủ yếu, phân làm ba loại; dự án đang tạm thời gặp khó khăn với suy thoái kinh tế thế giới nhưng phù hợp với định hướng mới, nhà đầu tư có năng lực tài chính đẻ thực hiện thì chấp thuận cho họ thêm thời gian cần thiết để triển khai dự án.

Dự án chưa triển khai đã quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư không có năng lực tài chính; dự án không phù hợp với định hướng mới thì cần thu hối giấy phép đầu tư. Dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường nhưng vướng mắc một số vấn đề cụ thể, kể cả chính sách ưu đãi thì tiếp cận với nhà đầu tư để giải quyết từng trường hợp theo quan điểm lợi ích kinh tế-xã hội.

Hội thảo cũng đã quán triệt để tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cải tiến môi trường đầu tư, tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính, tiến hành theo hướng "nhà nước điện tử," thông qua mạng Internet tiến hành các thủ tục cần thiết, giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, xử lý kịp thời vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cấo giấy quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng; hỗ trợ các doanh nghiệp FDI giải quyết khó khăn trước mắt gắn với lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế; đồng thời cương quyết xử lý những vi phạm pháp luật trong FDI như gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế...

Với những lợi thế về hội nhập kinh tế quốc tế, về vị trí của đất nước trên trường quốc tế, với những bất lợi do thiên tai đem đến ở một số nước trong khu vực...Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi trong thu hút và cả giải ngân FDI trong thời gian tới./.

Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục