ADB khuyến nghị châu Á hợp tác để quản lý rủi ro

ADB khuyến nghị chính phủ của các nước châu Á phải cùng nhau tìm biện pháp hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quá trình hội nhập.
Trong tạp chí Theo dõi Hội nhập kinh tế châu Á số mới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị chính phủ của các nước châu Á phải cùng nhau hợp tác để đưa ra các chính sách và cơ cấu nhằm đảm bảo hạn chế thấp nhất những rủi ro trong quá trình hội nhập và đem lại nhiều lợi ích.

Trưởng ban Hội nhập kinh tế khu vực của ADB, Iwan J. Azis phát biểu: “Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á đang phát triển phần lớn tùy thuộc vào các mối quan hệ kinh tế và tài chính trong khu vực tăng lên, tuy nhiên, hội nhập sâu rộng hơn có thể đem đến sự lây lan và các rủi ro khác. Do vậy, chúng ta phải giải quyết những mối đe dọa đó thông qua hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Cuối cùng thì hội nhập cần cải thiện mức sống của tất cả mọi người trong khu vực.”

Hội nhập chặt chẽ đẩy nhanh sự lan truyền của cuộc khủng hoảng ở một quốc gia này sang một quốc gia khác như đã thấy ở châu Âu gần đây. Hơn nữa, hội nhập sâu rộng hơn cũng có thể làm gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập trong mỗi quốc gia, thậm chí cả khi nó làm giảm đi sự bất bình đẳng.

Theo ADB, với sự hội nhập đang tăng lên và tiếp tục diễn ra ở châu Á, các chính phủ trong khu vực cần phải hợp tác nhiều hơn nữa để cân bằng những rủi ro này.

Nhằm chống lại mối đe dọa lây lan về kinh tế cũng như tài chính, châu Á phải tăng cường mạng lưới bảo trợ như thu xếp cơ cấu trao đổi trong ASEAN+3 và Nam Á. Những mạng lưới bảo trợ này cần phải đủ lớn và linh hoạt để giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Để đảm bảo rằng tất cả mọi người trong các quốc gia được hưởng lợi từ hội nhập chặt chẽ hơn, khu vực cần xây dựng nhiều hơn liên kết giao thông để tăng sự tiếp cận đến các thị trường xuyên biên giới trong khi hạ tầng cơ sở của khu vực hiện nay còn yếu kém. Việc cho phép người lao động di chuyển tự do hơn cũng có thể giúp giảm những khác biệt trong thu nhập.

Theo ADB, châu Á cũng cần cải thiện chính sách, luật pháp và khuôn khổ thể chế của mình, như các quy trình thương mại phức tạp hay thủ tục hải quan rườm rà, nhằm đẩy mạnh các hoạt động nội trong khu vực.

Báo cáo nhận định đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang được sử dụng ngày một nhiều hơn trong thanh toán thương mại. Theo thời gian, nó có thể trở thành một đồng tiền quy đổi, giúp khu vực hội nhập các nền kinh tế, hợp tác về các vấn đề tiền tệ và tài chính cũng như từng bước mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục