Ưu tiên hỗ trợ phụ nữ trong bối cảnh khủng hoảng

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới.
Nhận định phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng cần có các chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới.
 
Tại hội thảo “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: Tác động và cơ hội đối với phụ nữ”, diễn ra ở Hà Nội ngày 5/8, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết tác động của khủng hoảng kinh tế khiến  lao động nữ bị mất và thiếu việc làm nhiều hơn.
 
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 31% lao động nữ bị mất việc làm trong tổng số trên 107.200 người bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này chưa phản ánh hết thực tế bởi một bộ phận lớn lao động nữ làm việc không theo hợp đồng chính thức.
 
Thu nhập thấp do không có hoặc thiếu việc làm gieo thêm gánh nặng lên vai người phụ nữ - người đóng vai trò chính trong việc chăm sóc gia đình và con cái.

Bên cạnh đó, phụ nữ còn là đối tượng phải chịu tác động nghèo đói nhiều hơn nam giới do trình độ học vấn hạn chế, không có quyền ra quyết định cũng như ít cơ hội tiếp cận với chính sách và dịch vụ xã hội.
 
Bởi vậy theo bà Mai “cần thiết có những chính sách ngắn hạn để hỗ trợ cho phụ nữ vượt qua khó khăn, có cơ hội để tham gia trở lại thị trường lao động như trợ cấp thất nghiệp, đào tạo lại”, và cùng với đó là “phải xây dựng được cơ sở dữ liệu thống kê về giới” để làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách và tiếp tục thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
 
Chia sẻ quan điểm này, bà Phạm Nguyên Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho phụ nữ, hỗ trợ họ về kỹ năng sống, tạo môi trường, cơ hội thuận lợi và đặc biệt làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới là những giải pháp quan trọng để giảm bớt những khó khăn và gánh nặng cho phụ nữ nhất là phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Nhấn mạnh “Phụ nữ đang phải chịu tác động lớn nhất của khủng hoảng, điều này làm gia tăng vấn đề bất bình đẳng giới do khả năng tiếp cận không cân bằng của phụ nữ tới các nguồn, cơ hội và việc quyết định ra chính sách’, ông John Hendra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục các “bước đi ấn tượng” hướng tới Mục tiêu Thiên niên kỷ.
 
Theo ông John Hendra, việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa phụ nữ và nam giới không chỉ là vấn đề nhân quyền cơ bản mà còn rất có lợi đối với phát triển kinh tế-xã hội.
 
Hội thảo “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: Tác động và cơ hội đối với phụ nữ” do Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Phát triển Liên Hợp quốc dành cho phụ nữ phối hợp tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp giúp giảm thiểu các rủi ro đối với phụ nữ trước tác động của khủng hoảng, cải thiện sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ dễ bị tổn thương.
 
Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 2009 (11/7) với chủ đề “Đối phó với khủng hoảng kinh tế: Đầu tư cho phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt”.
 
Tại Việt Nam, phụ nữ hiện chiếm khoảng 51% dân số và hơn 49% lực lượng lao động./.
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục