Liên hệ giữa các địa chấn tại Thái Bình Dương

Các nhà khoa học đang đưa ra giải thích về sự liên hệ giữa các trận động đất, sóng thần và dư chấn vừa xảy ra tại Thái Bình Dương.
Các chuyên gia địa chấn học đang đưa ra những giải thích về sự liên hệ giữa những trận động đất, sóng thần và các dư chấn vừa xảy ra tại "vành đai lửa" Thái Bình Dương.

Tuần trước, trong khi Đông Nam Á hứng chịu các trận lũ lụt thì ở Nam Thái Bình Dương xuất hiện động đất và sóng thần. Các dư chấn sau đó có thể không liên quan trực tiếp tới các hiện tượng trên, song chúng là một phần của những hoạt động địa chấn thuộc "vành đai lửa".

Theo chuyên gia nghiên cứu địa chấn Phil Cummins thuộc cơ quan Khoa học Địa lí Australia, về tổng thể các dư chấn này có liên quan với nhau vì cùng xảy ra bên rìa của mảng lục địa Australia, song chưa xác định được mối liên hệ trực tiếp nào.

Một số chuyên gia đã lưu ý về sự gia tăng mạnh các hoạt động địa chấn tại vết nứt Indonesia kể từ sau khi xảy ra trận sóng thần năm 2004. Trong nhiều tuần gần đây, đã có những hoạt động địa chấn đáng kể xung quanh lục địa Australia, Java - thuộc Indonesia và một số khu vực ở Đông Nam Australia.

Nhà nghiên cứu Cummins nhận định những ý kiến cho rằng hai trận động đất vừa qua ở Sumatra và có thể cả ở Java có liên quan với nhau là hoàn toàn có cơ sở vì vị trí hai khu vực này rất gần nhau.

Mặc dù khó chứng minh sự liên quan giữa những trận động đất ở Đông Nam Australia, tại Indonesia và ở Tây Nam Thái Bình Dương do vị trí địa lí của các khu vực này rất xa nhau, song không thể loại trừ khả năng các sóng địa chấn có thể gây ra động đất từ những khoảng cách rất xa.

Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu hiện tượng các hoạt động địa chất diễn ra thường xuyên hơn tại quần đảo Indonesia trong nhiều thập kỷ qua để xác định đó là sự gia tăng thực sự hoạt động địa chất hay đơn thuần chỉ vì công nghệ đo đạc đã phát triển và ghi nhận được nhiều dữ liệu hơn so với trước đây. Sau khi xảy ra thảm họa sóng thần vào cuối năm 2004, giới nghiên cứu đã có nhiều cuộc thảo luận về các hệ thống cảnh báo.

Theo nhà nghiên cứu Cummins, các hệ thống cảnh báo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã được nâng cấp rất nhiều. Tuy nhiên, các hệ thống cảnh báo này thường chỉ có hiệu quả với sóng thần xảy ra trong khu vực nhưng ở khoảng cách rất xa vì như vậy mới đủ thời gian phân tích và đưa ra cảnh báo. Thảm họa sóng thần ở Samoa vừa qua xuất hiện ngay trong vòng 20-30 phút sau khi xảy ra động đất. Khoảng thời gian này quá ngắn nên rất khó đưa ra cảnh báo.

Theo ông Cummins, rất khó cho rằng các hệ thống cảnh báo hiện tại đã hoạt động hiệu quả. Vì vậy, tốt hơn hết là nên hướng dẫn người dân nhanh chóng sơ tán đến những khu đất cao ngay khi họ cảm nhận mặt đất rung chuyển mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục