Xây dựng bộ máy ứng phó thiên tai từ địa phương

Việt Nam cần chủ động xây dựng mạng lưới an toàn cho người dân và xây dựng bộ máy ứng phó với thiên tai hiệu quả ngay từ địa phương.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban thường trực liên ngành của Liên Hợp Quốc (IASC) tổ chức cuộc họp cấp cao về tăng cường các nhóm và quản trị thông tin ứng phó với thiên tai ở Việt Nam nhằm tìm ra cơ chế hiệu quả nhất để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học cho biết, cuộc họp cấp cao lần này nhằm phối hợp để chia sẻ thông tin với các tổ chức trong nước cũng như quốc tế để khắc phục và ứng phó với hậu quả của thiên tai, cũng như góp phần đưa hoạt động này đi vào nền nếp.

Do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể sẽ gặp phải tần suất thiên tai nhiều hơn, thời gian dài hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Khi tác động của biến đổi khí hậu xảy ra, Việt Nam cần phải huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan đối tác song phương của Việt Nam để giảm thiểu tác hại của thiên tai cũng như việc phục hồi nền kinh tế sau khi thảm họa xảy ra.

Ông Học cho biết thêm, năm 2009, Việt Nam đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi ứng phó với thiên tai.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Terje Skavdal, Trưởng Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) tại Bangkok đã nêu ra những khó khăn thách thức trong việc ứng phó với thiên tai tại khu vực châu Á, để qua đó Việt Nam có thể đưa ra các chiến lược hiệu quả hơn trong việc phòng tránh thiên tai ngay tại địa bàn của mình.

Để việc ứng phó với thiên tai, thảm họa có hiệu quả, ngoài việc kiện toàn sự hợp tác để nâng cao năng lực, cơ chế điều phối giữa các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần chủ động xây dựng mạng lưới an toàn cho người dân cũng như xây dựng bộ máy ứng phó với thiên tai thật sự hiệu quả ngay từ địa phương trước khi sự viện trợ từ bên ngoài được đưa đến, ông Terje Skavdal khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục