Bất cập cần chấn chỉnh

Nghề y dược tư nhân ở HN: Bất cập cần chấn chỉnh

Dù có nhiều đóng góp nhưng hệ thống y tế tư nhân có phần bị buông lỏng quản lý và đang bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần chấn chỉnh.
Trong khi hệ thống y tế công lập đang ngày càng quá tải, thì những đóng góp của hệ thống y tế ngoài công lập vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống y tế này có phần bị buông lỏng quản lý và đang bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần kịp thời chấn chỉnh.

Ngổn ngang bất cập

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nhận thức của người hành nghề dược ngoài công lập mặc dù đã được tập huấn, hướng dẫn hoặc kiểm tra xử lý vi phạm, nhưng hiện vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cơ sở và cộng đồng.

Bên cạnh đó, một số cơ sở vì lợi nhuận mà kinh doanh thuốc tùy tiện, mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, thực hiện không nghiêm túc các quy định của pháp luật, tình trạng người quản lý chuyên môn vắng mặt khi cơ sở hoạt động diễn ra khá phổ biến.

Nguồn nhân lực dược vừa thiếu vừa yếu. Mặc dù Hà Nội có đội ngũ dược sỹ đại học đứng đầu cả nước, nhưng lại tập trung chủ yếu vào kinh doanh và sản xuất, tại các cơ sở kinh doanh vẫn phổ biến tình trạng cho thuê mặt bằng. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ kinh doanh của đội ngũ nhân viên bán thuốc hiện tại (dược sỹ trung học, dược tá) cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về chuyên môn và ý thức chấp hành các quy định khi tham gia hành nghề.

Về đầu tư cơ sở vật chất, thời gian qua, khi hệ thống các bộ nguyên tắc GPS được triển khai, các cơ sở đã có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo quản khá cơ bản, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở doanh nghiệp, nhà thuốc đầu tư có tính đối phó, một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chung với sinh hoạt gia đình, là một trong những nguy cơ sẽ không duy trì đúng như điều kiện thẩm định ban đầu. Hệ thống trang thiết bị bảo quản đều được trang bị, nhưng trong thực tế chưa được các cơ sở vận hành khi điều kiện bảo quản vượt giới hạn cho phép.

Đối với các cơ sở hành nghề y, Luật khám chữa bệnh số 40/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/11/2011, nhưng sau một thời gian mới có Nghị định 87 và Thông tư 41 hướng dẫn thi hành, dẫn đến khó khăn cho các cơ sở trong việc thực hiện đăng ký xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho người hành nghề và đăng ký giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh.

Một số cơ sở có những thay đổi nhân sự (đặc biệt là người đứng đầu), nhưng không thể tiến hành cấp phép hoạt động mới, do đó đã phải ngừng hoạt động. Một số khi có thay đổi nhân sự vì lý do nêu trên, nhưng không báo cáo Sở Y tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Việc thay đổi nhân sự, đặc biệt là khi người hành nghề nước ngoài thôi không hành nghề, các cơ sở không báo cáo kịp thời; gây khó khăn trong thống kê, quản lý, thanh kiểm tra của Sở Y tế và các cơ quan chức năng.

Một số chủ đầu tư và người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh của các doanh nghiệp chưa nắm đầy đủ về hoạt động khám chữa bệnh, quy định về việc người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh tại Việt Nam, dẫn đến tình trạng một số cơ sở tự động cho phép người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh dạng thử việc tại phòng khám, mà chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa có thủ tục pháp lý đầy đủ và chưa được phép của Sở Y tế.

Hệ thống quy định về xử lý xử phạt đối với các vi phạm về quy chế khám chữa bệnh còn chưa đủ tính răn đe. Việc quản lý về hộ tịch đối với người nước ngoài lao động tại Việt Nam của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ, dẫn đến sai phạm về việc hành nghề của người nước ngoài.

Trong tám tháng đầu năm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra 32 lượt cơ sở khám chữa bệnh có thầy thuốc nước ngoài tham gia khám chữa bệnh, trong đó xử phạt 13 cơ sở với số tiền gần 300 triệu đồng.

Nhiều cơ sở có hành vi vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, pháp lệnh quảng cáo, các quy định, quy chế chuyên môn Bộ Y tế đã ban hành như khám chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép, người nước ngoài làm công việc chuyên môn chưa được phép của Sở Y tế, quảng cáo giới thiệu phòng khám không đúng nội dung đăng ký đã được Sở Y tế phê duyệt, sử dụng dược phẩm chưa được phép của Bộ Y tế cho bệnh nhân. Các trường hợp vi phạm này đã được Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động tại chỗ theo đúng quy định.

Cần thực hiện các giải pháp đã đề ra

Theo Sở Y tế Hà Nội, để quản lý hoạt động của cơ sở y tế ngoài công lập cần có sự phối hợp quản lý của Sở Y tế với những cơ quan chức năng có liên quan như Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và báo chí, cơ quan quản lý người nước ngoài ở Việt Nam như Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội.

Đối với các cơ sở dược, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở hành nghề đa dạng hóa nội dung hướng dẫn, tránh mang tính hình thức, lý thuyết, việc tập huấn có thể theo chuyên đề hoặc từng nội dung, đối tượng, kể cả hình thức cầm tay chỉ việc cho các cơ sở hành nghề.

Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát hậu kiểm đối với hoạt động khám bệnh chữa bệnh của các cơ sở y tế ngoài công lập, có hình thức xử lý nghiêm minh, có tính răn đe thu hồi giấy phép; thậm chí tước giấy phép hoạt động với các cơ sở tái phạm và sai phạm nghiêm trọng; tăng cường hơn nữa việc thanh kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm quy định về quản lý dược và xem đây cũng là một cách để đẩy mạnh thực hiện quy định của pháp luật;...

Cùng với vai trò của ngành chức năng, cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương về quản lý hoạt động y dược tư nhân, nâng cao nhận thức của nhân dân, đề cao tinh thần cảnh giác, mạnh dạn phát hiện và báo cáo các cơ sở y dược vi phạm quy chế chuyên môn đến cơ quan chức năng.

Sở Y tế Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản tăng cường chế tài xử lý, xử phạt đối với cơ sở y tế vi phạm về quy chế chuyên môn, vi phạm các quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung và điều chỉnh nội dung chưa có hoặc chưa phù hợp; trường hợp phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh thuốc có sai sót chuyên môn và quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hành vi vi phạm của các cơ sở. Sở Y tế có thể tước giấy phép, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở, giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc ngay từ lần đầu vi phạm.../.

Tuyết Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục