IMF hối thúc Eurozone phản ứng quyết đoán hơn

IMF ngày 22/6 đã hối thúc Eurozone phản ứng tập thể quyết đoán hơn trước cuộc khủng hoảng hiện đã đạt đến giai đoạn nguy hiểm nhất.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22/6 đã hối thúc các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phản ứng tập thể quyết đoán hơn trước cuộc khủng hoảng hiện đã đạt đến giai đoạn nguy hiểm nhất, đe dọa không chỉ khu vực kinh tế quan trọng này mà cả nền kinh tế thế giới.

Trong đánh giá mới nhất, IMF yêu cầu 17 nền kinh tế trong Eurozone tiếp tục cam kết mạnh mẽ về một liên minh tiền tệ đầy đủ và lành mạnh bao gồm hệ thống ngân hàng thống nhất và hòa nhập tài chính sâu rộng hơn.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh các bước đi này cần được hỗ trợ bởi những cải tổ cơ cấu sâu rộng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Lộ trình cụ thể hoàn tất liên minh tiền tệ cần được thúc đẩy để tăng cường lòng tin trong khi các hỗ trợ nhu cầu cần được duy trì trong ngắn hạn để làm dịu tác động của các nỗ lực điều chỉnh cơ cấu của khu vực.

IMF thừa nhận tầm quan trọng của những hành động mà Eurozone đã thực hiện nhằm kiềm chế khủng hoảng như thiết lập bức tường lửa châu Âu và toàn cầu lớn hơn, cam kết củng cố tài chính cho các nước thành viên…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp và những căng thẳng thị trường gia tăng đã cản trở các nỗ lực giảm nợ công. Nguy cơ khủng hoảng của Eurozone lan rộng đã có tác động toàn cầu, đặc biệt đối với các nền kinh tế các nước châu Âu láng giềng.

Theo IMF, các cải tổ cơ cấu sâu rộng để thúc đẩy liên minh tiền tệ đầy đủ và lành mạnh (trong đó ưu tiên hàng đầu là liên minh ngân hàng) bao gồm cải tổ thị trường việc làm để tăng tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực hàng hóa có thể trao đổi ở Nam Âu, tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để hỗ trợ tăng trưởng và việc làm, cải tổ thị trường sản phẩm để tạo ra khu vực dịch vụ năng động hơn và tăng năng suất ở Bắc Âu.

Trong khi những cải tổ cơ cấu này cần thời gian để phát huy hiệu quả, cần thúc đẩy những hành động ngắn hạn để hỗ trợ các nhu cầu bao gồm thực hiện củng cố tài chính một cách quyết đoán và tin cậy ở những khu vực sức ép thị trường cao, thúc đẩy chính sách tiền tệ hài hòa hơn và tái cấp vốn cho các ngân hàng yếu kém để đẩy lùi các phản ứng bất lợi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục