Vợ vỡ nợ 22 tỷ đồng, chồng viết đơn kiện... chủ nợ

Dư luận đang xôn xao vụ vỡ nợ 22 tỷ đồng ở Bình Phước, trong đó, con nợ chính là vợ một nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện.
Vụ vỡ nợ 22 tỷ đồng ở Chơn Thành, Bình Phước đang thu hút sự chú ý của dư luận không những ở địa phương mà còn trên phạm vi toàn quốc.

Sở dĩ đây là vụ án được chú ý nhiều bởi những tình tiết nghi vấn xung quanh vụ việc và đặc biệt “con nợ” lại chính là vợ của một nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện, một người rất am hiểu về luật pháp…

Vỡ nợ 22 tỷ đồng

Lấy lý do hỏi mượn tiền cho đồng nghiệp của chồng đáo hạn ngân hàng, bà Nguyễn Thị Sạnh (52 tuổi, trú tạị khu phố 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành), vợ của ông Trần Hoàng Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hớn Quản, hiện đang công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước) và làm chủ đại lý xăng dầu lớn tại đia phương đã huy động một số tiền lên tới 22 tỷ đồng.

Sau đó bà tuyên bố hết khả năng chi trả, khiến nhiều hộ gia đình trở nên lao đao, khốn đốn, có người vì quá tin lời bà Sạnh nên đã giao toàn bộ tài sản cho bà mượn để rồi khi nghe tin bà Sạnh vỡ nợ đã quá sốc dẫn tới đột quỵ, có người còn bị tâm thần.

Điển hình là các bà Nguyễn Thị Thủy, bà Nguyễn Thị Liên, bà Ngô Thị Thanh và bà Trịnh Thị Chỉnh (cùng trú tại thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành)…, vì là chỗ quen biết nên đã bị bà Sạnh dụ dỗ cầm cố nhà cửa, đất đai và cho bà Sạnh vay tổng cộng hơn hơn 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không lâu sau thì bà Sạnh tuyên bố không trả nợ, không những vậy, khi chủ nợ đến đòi tiền thì bà Sạnh còn cho người nhà chửi bới, mắng nhiếc rất thậm tệ.

Theo bà Nguyễn Thị Liên, sau khi tuyên bố vỡ nợ, bà Sạnh tự viết ra danh sách lên tới 18 người cho gia đình bà Sạ̣nh vay tiền không tính lãi?

Tuy nhiên, “chắc chắn đây là danh sách ảo bà Sạ̣nh lập ra để hòng trốn nợ, vì trong danh sách 18 'chủ nợ' nêu trên, có 'chủ nợ' cuộc sống rất khó khăn, phải chạy ăn từng ngày thì lấy tiền đâu ra để cho bà Sạnh vay, lại còn vay không lấy lãi,” bà Liên bức xúc cho biết.

Điều mà các chủ nợ cũng như dư luận bức xúc và yêu cầu cơ quan xem xét lại là việc bà Sạ̣nh huy động với số tiền lớn như vậy nhưng với tư cách là một người chồng, một người rất hiểu rõ pháp luật nhưng ông Trần Hoàng Sơn lại cho rằng mình không biết và không liên quan gì.

Ngay sau đó ông Sơn đã tổ chức họp gia đình và ra một biên bản thỏa thuận về phân chia tài sản.

Trong đó, ông Sơn và 2 con của mình nắm giữ phần nhiều tài sản của gia đình để “đảm bảo quyền lợi cho ông Sơn và các con.” Còn bà Sạnh chỉ được 9 thửa đất trồng cao su, tiêu và đất thổ cư với diện tích khoảng 62.000m2.

Gia đình ông Sơn cũng thống nhất bà Sạnh có nghĩa vụ phát mãi tài sản được chia để trả nợ ngân hàng. Ông Sơn cùng các con có nhiệm vụ phát mãi để trả nợ các khoản nợ chung nếu có.

Dư luận cho rằng, việc phân chia tài sản của ông Sơn là một hành động hết sức khôn ngoan để giữ lại khối tài sản do vợ mình vay mượn mà có. Những khoản nợ bà Sạnh thì ông Sơn để cho vợ mình tùy ý giải quyết!?

Kiện lại… chủ nợ!?

Như đã nói ở trên, bà Trịnh Thị Chỉnh (sinh năm 1953, trú tạị khu phố 3, thị trấn Chơn Thành) là một trong những chủ nợ và cũng có quan hệ họ hàng với bà Sạnh, ông Sơn.

Tuy đã lớn tuổi, kinh tế không lấy gì làm khá giả nhưng vì là chỗ quen biết họ hàng nên khi bà Sạnh đưa ra lý do cần tiền, bà Chỉnh đã chạy vạy khắp nơi vay được hơn 700 triệu đồng giao cho bà Sạnh.

Vì vậy, ngay khi nghe tin bà Sạnh tuyên bố phá sản, gia đình bà Chỉnh cũng rơi vào đường cùng vì không có tiền trả nợ đã vay giúp bà Sạnh trước đó.

Sau khi bà Sạnh tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4/2010, thì 5 tháng sau, ông Trần Hoàng Sơn lại làm một hành động rất khó chấp nhận là viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng huyện Chơn Thành yêu cầu xem xét lại “tư cách, đạo đức, lối sống” của bà Trịnh Thị Chỉnh, người mà trước đây vợ chồng ông Sơn gọi bằng dì và cũng là người giúp đỡ cho bà Sạnh mượn tiền.

Cụ thể, trong đơn ông Sơn đề nghị huyện ủy Chơn Thành, Đảng ủy, Chi bộ khu phố 3, thị trấn Chơn Thành xem xét lại tư cách đảng viên đối với bà Trịnh Thị Chỉnh vì đã cho bà Nguyễn Thị Sạnh vay tiền với lãi cao (lãi suất 3%/tháng)!?

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý bà Chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về những điều đảng viên không được làm…

Theo bà Trịnh Thị Chỉnh, việc bà cho bà Sạnh vay tiền là có thỏa thuận giữa hai bên và lúc đầu cũng do bà Sạnh tìm cách năn nỉ bà mới giúp đỡ vay tiền giúp chứ không có ý trục lợi và số lãi 3%/tháng cũng không phải là cho vay lãi cao như ông Sơn đã tố cáo.

Bà Chỉnh cho biết người đáng phải xem xét lại tư cách đạo đức và cần phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật không chỉ bà Nguyễn Thị Sạnh mà ngay cả ông Trần Hoàng Sơn vì đã vu khống cho bà những điều không đúng sự thật.

Thượng tá Văn Quang Tiến, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước, cho biết căn cứ vào đơn tố cáo của công dân và những tài liệu điều tra được, Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và khởi tố bị can Nguyễn Thị Sạnh vì đã có hành vi “lợi dụng lòng tin của người khác huy động vay tiền với lãi suất cao sử dụng vào mục đích cá nhân rồi tuyên bố mất khả năng chi trả, không trả lại tiền đã vay"./.

Hoàng Tiến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục