Israel “nín thở” trước khả năng bị nã tên lửa hóa học

Việc Mỹ trì hoãn kế hoạch tấn công Syria không hề làm dịu đi cơn sợ hãi ở miền Bắc Israel, hàng đoàn người vẫn xếp hàng dài tìm mọi cách mua mặt nạ phòng độc.
Việc Mỹ trì hoãn kế hoạch tấn công Syria chẳng hề làm dịu đi cơn sợ hãi ở miền Bắc Israel, nơi hàng đoàn người vẫn xếp hàng dài ở các bưu điện còn dân chúng thì tìm mọi cách tích trữ mặt nạ phòng độc.

Chủ đề về cuộc tấn công sắp nổ ra của quân đội Mỹ nhằm vào chế độ ở Damascus hiện nay vì các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đã làm bùng lên nên cơn hoảng sợ chưa từng có trên khắp đất nước Israel.

Từ hồi tuần trước, lo sợ phản ứng dây chuyền từ bất kỳ một cuộc tấn công nào vào Syria có thể lan ra khắp vùng biên giới phía Bắc và lôi kéo Nhà nước Do thái vào cuộc xung đột, người Israel đã hối hả lùng mua mặt nạ phòng độc mới, thay thế các loại cũ.

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định chờ xin phép Quốc hội nước này đồng ý cho tấn công Syria, đã không còn mối đe dọa về một cuộc tấn công bất thình lình nhằm vào chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng hàng đoàn người Israel vẫn nối đuôi nhau xếp hàng chật cứng trong nhiều giờ, đặc biệt là ở vùng giáp giới phía Bắc với Syria và Lebanon, bằng mọi giá phải mua được các thiết bị phòng độc hiện đang được phân phối tại tất cả các bưu điện trên cả nước.
Quang cảnh tại một trung tâm phân phối mặt nạ phòng độc ở Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, truyền thông Israel thống kê rằng khoảng 40% dân số nước này vẫn chưa có mặt nạ phòng độc.

“Miền Bắc chúng tôi từng bị nã tên lửa”, Dalia Eliahu, một người dân đang xếp hàng ở trung tâm phân phối thuộc Haifa, không giấu được nỗi sợ hãi. Thành phố Haifa thuộc vùng duyên hải phía Bắc Israel này chỉ cách đường biên giới với Syria khoảng 70km, tính từ điểm gần nhất.

Dalia Eliahu đang nhắc tới các cuộc tấn công bằng tên lửa của phong trào Hồi giáo Hezbollah vào miền Bắc Israel trong cuộc chiến tranh một tháng hồi năm 2006. Và cho tới ngày 22/8/2013, trong các vụ tấn công lẻ tẻ xuất phát từ miền Nam Lebanon, đã có 4 quả tên lửa bắn vào Israel, dù không gây thương vong hay thiệt hại nào.

“Với lần này”, bà Eliahu lo lắng, “nếu Assad bắn tên lửa có đầu đạn hóa học, chúng tôi không thể coi thường khả năng này”.

Yann Lukatzki, công dân Israel 35 tuổi, đã xếp hàng đến 5 giờ ở một công viên để được phân phối mặt nạ phòng độc. “Chúng tôi không thể chần chừ việc xếp hàng và mua mặt nạ cho mình”, ông tâm sự, “đòn trả đũa của Syria có thể nhằm vào chúng tôi, nên người Israel phải sẵn sàng với mọi tình huống”.

Thủ tướng Israeli Benjamin Netanyahu hôm 1/9 khẳng định Nhà nước Do thái đã chuẩn bị cho “mọi kịch bản có thể xảy ra” tại nước láng giềng Syria sau khi Tổng thống Mỹ Obama hoãn kế hoạch tấn công nước này bằng tên lửa.

Và giờ đây, người Israel ở miền Bắc đang rất cần sự đảm bảo an toàn. Trong cuộc chiến tranh 33 ngày vào tháng 7/2006 chống phong trào Hezbollah thân chế độ Assad,  người ta đã chứng kiến hàng nghìn quả tên lửa các loại được rót qua biên giới vào lãnh thổ Israel. Cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của 1.200 người Lebanon, trong đó phần lớn là dân thường, và khoảng 160 binh sỹ Israel.

Avi Ohana, một kỹ sư 47 tuổi người Israel, thú nhận với phóng viên AFP: “Trong việc mua mặt nạ phòng độc, chúng tôi chẳng thể chờ nước đến chân mới nhảy”.

Đã xảy ra một số tranh cãi căng thẳng ở thành phố Haifa khi hoạt động phân phối mặt nạ phòng độc bị hoãn lại một vài ngày từ hôm 31/8. “Chúng tôi đã xếp hàng đến hai giờ để rồi ra về tay không”, Avraham Mor Yossef – một nông dân Israel sinh sống gần đường biên giới với Syria – bực bội, “Tôi có 3 cháu nhỏ, chúng nó chưa hề có một cái mặt nạ nào và tôi không thể nào xin nghỉ việc thêm một ngày nữa để đi xếp hàng chờ mua mặt nạ”.
Khoảng 40% dân số Israel vẫn chưa có mặt nạ phòng độc (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo Maariv (Israel) cho biết một trung tâm phân phối ở Jerusalem đã buộc phải đóng cửa hôm 28/8 sau vụ nhiều dân chúng sốt ruột đã xông vào các gian hàng để giật lấy tất cả các bộ mặt nạ phòng độc.

Dù vậy thì ở miền Bắc Israel, một số dân chúng lại tỏ ra kiềm chế hơn. “Assad sẽ không dại gì thử tấn công chúng tôi”, Cyril Kleczewski, một kỹ sư Israel phân tích: “Ông ấy biết điều đó đồng nghĩa với việc tự ký vào bản án tử hình”, khi ám chỉ tới những hành động trả đũa của Israel nếu nước này bị tấn công.

Lần đầu tiên, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, mặt nạ phòng độc đã được phân phát cho dân chúng Israel khi chế độ của Tổng thống Iraq, Saddam Hussein bắn tới 39 quả tên lửa Scud vào nội địa Israel, khi lực lượng liên quân do Mỹ cầm đầu mở chiến dịch “Bão táp sa mạc.”/.

AFP/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục