Thành viên LHQ cần làm tròn nghĩa vụ về tài chính

Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh các thành viên, nhất là các nước công nghiệp phát triển, cần làm tròn nghĩa vụ về tài chính cho LHQ.
Ngày 21/10, Ủy ban Quản trị và ngân sách của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 đã thảo luận Đề mục 131 "Cải thiện tình hình tài chính của Liên hợp quốc" và nghe bà Angela Kane - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách công tác quản lý, trình bày tình hình tài chính của Liên hợp quốc tính tới đầu tháng 10/2010 và dự báo tình hình tài chính tới hết năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Bùi Thế Giang - Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc ghi nhận dự báo tích cực về lưu lượng tiền mặt đối với tất cả các mục trong ngân sách tới cuối năm 2010.

Đại sứ đánh giá cao 119 nước đã đóng đầy đủ và đúng thời hạn các khoản niên liễm, đặc biệt là những nước đang phát triển đã phải chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu và hiện vẫn đang đối mặt với những thách thức to lớn trong việc phấn đấu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015.

Đại sứ đồng thời bày tỏ quan ngại về những hậu quả nghiêm trọng dai dẳng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mới đây cũng như sự phục hồi chậm, không đồng đều và chưa vững chắc, khiến một số quốc gia chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách thường xuyên và ngân sách cho các tòa án quốc tế của Liên hợp quốc. Đây cũng là nguyên nhân của việc năm nay số lượng quốc gia đóng góp đầy đủ cho ngân sách xây dựng cơ bản, cho hoạt động giữ gìn hòa bình và cho tất cả các mục trong ngân sách giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Khẳng định lại quan điểm về việc các quốc gia thành viên, nhất là các nước công nghiệp phát triển, cần làm tròn nghĩa vụ đóng góp tài chính nhằm đảm bảo cho Liên hợp quốc có đủ và kịp thời ngân sách, Đại sứ Bùi Thế Giang cũng nhấn mạnh việc cần có sự thông cảm, hợp tác và cơ chế hỗ trợ tài chính thích hợp để giúp một số quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất đã bị tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính, khắc phục được những hệ lụy trước mắt và lâu dài của khủng hoảng, và cùng đi lên với những quốc gia phát triển hơn.

Đại sứ lưu ý tầm quan trọng của việc sử dụng có hiệu quả những nguồn lực đang ngày càng khan hiếm và trong bối cảnh đó, kêu gọi Ban Thư ký Liên hợp quốc nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả hoạt động thông qua những việc làm cụ thể trong công tác quản lý, quản trị, phân bổ và sử dụng nguồn lực được giao, tránh lãng phí, trùng lặp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục