Hàng nghìn người biểu tình rầm rộ ở Yemen, Libya

Ngày 9/3, hàng nghìn người dân Yemen đã tuần hành trên các đường phố lớn trên khắp cả nước, nhằm yêu cầu Tổng thống cải tổ quân đội.

Ngày 9/3, hàng nghìn người dân Yemen đã tuần hành trên các đường phố lớn trên khắp cả nước, nhằm yêu cầu Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi cải tổ quân đội.

Người biểu tình tập trung gần tư dinh của Tổng thống Hadi ở thủ đô Sanaa và nhiều tỉnh thành khác như Taiz, Aden, Al-Bayda, Hajja, Al Hodayda, Dhamar và Hadramout, yêu cầu chính phủ sa thải con trai và cháu trai của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, cũng như những người trung thành với cựu tổng thống này hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan quân đội, an ninh và tình báo của Yemen.

Họ đồng thanh hô vang khẩu hiệu "Quân đội cần được cải tổ và mọi rắc rối sẽ được giải quyết," đồng thời hối thúc ông Hadi xúc tiến cải cách trước khi có bất cứ cuộc thương lượng nào với người biểu tình.

Cuộc biểu tình của người dân diễn ra trong bối cảnh quân đội Yemen đang tỏ ra bất lực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong loạt vụ giao tranh mới đây nhất giữa quân chính phủ và các tay súng của Al-Qaeda, gần 200 binh sỹ đã thiệt mạng, trong khi 73 người khác bị tổ chức khủng bố này giam giữ.

Suốt năm qua, người dân Yemen luôn tập trung biểu tình vào thứ Sáu hàng tuần để yêu cầu cải cách chính phủ. Cựu Tổng thống Saleh đã chính thức chuyển giao quyền lực cho ông Hadi hôm 27/2 vừa qua theo một thỏa thuận do Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) bảo trợ.

Theo thỏa thuận này, ông Hadi sẽ giám sát việc cải tổ quân đội trong nhiệm kỳ chuyển tiếp kéo dài hai năm của mình.

Cũng trong ngày 9/3, hàng nghìn người biểu tình đã đổ ra khắp các đường phố ở thủ đô Tripoli và Benghazi của Libya để phản đối chủ trương thành lập chế độ liên bang và ông Ahmed Zubair al-Senussi - người đứng đầu Hội đồng khu vực tự trị mới thành lập Cyrenaica giàu dầu mỏ ở miền Đông Libya, đồng thời là người đề xuất chủ trương này.

Các cuộc biểu tình đã trở nên đặc biệt hỗn loạn tại Benghazi, sau khi các phần tử quá khích đốt cháy một khu chợ bán đồ nội thất và nhiều cửa hiệu ở thành phố này, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và hàng chục người phải vào viện cấp cứu.

Trước đó, ngày 8/3, ông al-Senussi tuyên bố: "Hội đồng tự trị Cyrenaica công nhận NTC là cơ quan đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Libya, nhưng bên cạnh đó chúng tôi chỉ công nhận hiến pháp năm 1951."

Ông Senussi cho rằng chính phủ lâm thời Libya nên quan tâm đến đề nghị thành lập nhà nước liên bang, thay vì chỉ coi đây là một hành động "tạo phản."

Tuyên bố trên được ông Senussi đưa ra trong bối cảnh chính phủ lâm thời Libya đang nỗ lực xây dựng một nhà nước phân quyền nhằm ngăn chặn mọi ý đồ chia tách đất nước thông qua hoạt động đòi quyền tự trị.

Trong một tuyên bố cứng rắn trước đó, Chủ tịch NTC Mustapha Abdel Jalil khẳng định sẽ sử dụng pháp quyền để đảm bảo sự thống nhất dân tộc của Libya.

Trong thời gian từ năm 1951-1963, Libya theo mô hình nhà nước liên bang và được chia thành ba bang bán tự trị là Cyrenaica, Tripolitania và Fezzan. Trong đó, riêng khu vực Cyrenaica chiếm tới 3/4 trữ lượng dầu mỏ của Libya./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục