Ủng hộ mở rộng SCO

Nga ủng hộ mở rộng Tổ chức hợp tác Thượng Hải

Mátxcơva bày tỏ hoan nghênh ý định gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải với tư cách thành viên chính thức của Ấn Độ và Pakistan.
Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Kirill Barsky, đặc phái viên của Tổng thống Nga về các vấn đề Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), điều phối viên quốc gia của Nga trong SCO, cho biết Mátxcơva hoan nghênh ý định gia nhập SCO với tư cách thành viên chính thức của Ấn Độ và Pakistan.

Nga cho rằng qui chế thành viên của hai nước sẽ tăng cường vị thế của SCO đồng thời góp phần làm ổn định tình hình khu vực.

Theo đặc phái viên Kyril Barsky, vấn đề về việc mở rộng SCO có thể được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh kỳ tới của tổ chức, dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2012 ở Trung Quốc.

Điều phối viên Nga tại SCO nêu quan điểm rằng tư cách thành viên của Ấn Độ và Pakistan sẽ tạo điều kiện tăng cường vị thế của SCO như một tổ chức khu vực có thẩm quyền về vấn đề an ninh và hợp tác ở châu Á.

Ông Barsky cũng lưu ý tới hiệu ứng tích cực từ qui chế thành viên SCO của Ấn Độ và Pakistan trong mối quan hệ giữa hai nước này với nhau. Do đó, Mátxcơva đã cho thấy rõ rằng những e ngại về xu thế gia tăng xung đột khi mở rộng SCO là hoàn toàn vô căn cứ.

Sức nặng địa chính trị của SCO cũng được đánh giá là sẽ tăng nếu có sự tham gia của Việt Nam như một nước đối tác đối thoại của tổ chức này.

Như vậy, trong thập niên thứ hai tồn tại và hoạt động, SCO đang chờ đợi sự thay đổi lớn. Cùng với việc gia nhập của Ấn Độ và Pakistan, sắp tới sẽ xuất hiện thêm một ngôn ngữ chính thức nữa là tiếng Anh, đồng thời SCO bắt đầu mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

SCO hiện có 6 thành viên chính thức gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzberkistan, cùng 4 quan sát viên là Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Pakistan và 2 đối tác đối thoại là Belarus và Sri Lanka. Đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị dành cho họ quy chế “đối tác đối thoại” của SCO.

Năm ngoái, sau khi SCO bãi bỏ thoả thuận ngừng kết nạp thêm các thành viên mới, Ấn Độ, Pakistan và Iran đã đề nghị nâng quy chế của các nước này lên mức thành viên chính thức. Tuy nhiên, theo quy định của SCO, Iran bị loại khỏi danh sách được xem xét nâng quy chế do đang bị Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục