Chất rửa không rõ nguồn gốc, ẩn họa khôn lường

Chất tẩy không rõ nguồn gốc, ẩn họa khôn lường

Những bệnh nguy hiểm mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng những chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc như bị viên da, ung thư...
Bị ung thư, viêm da hay ngộ độc... đó là những bệnh nguy hiểm mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng những chất tẩy rửa, nhất là nước rửa chén, bát không rõ nguồn gốc đang xuất hiện khá nhiều trên thị trường hiện nay.

Trong khi đây là mặt hàng không thể thiếu trong công việc nội trợ của các gia đình thì mặt hàng này lại đang bị thả nổi; việc quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả.

Nhiều loại nước rửa bát không rõ nguồn gốc


Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có mặt tại khu vực hàng ăn ở chợ Mơ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào giờ ăn cao điểm, nhiều hàng ăn với lượng khách khá đông; nhân viên dọn bàn thoăn thoắt thu gom những chiếc bát bẩn xếp thành đống ngay trước lối vào.

Tay cầm chiếc can nhựa đựng nước rửa bát, nhân viên quán hàng đổ một ít vào chậu nước, sau đó cho hết bát, đũa bẩn vào rồi dùng chiếc khăn ướt khoắng qua loa và cuối cùng, những chiếc bát bám đầy bọt được luân chuyển sang chậu nước đục ngầu, váng mỡ bên cạnh.

Vớt những chiếc bát vẫn còn nhớt bọt xà phòng, chị nhân viên này lau lại qua loa rồi xếp ngay lên từng chiếc bàn ăn để phục vụ khách.

Do diện tích mỗi hàng quán khá khiêm tốn cộng với việc phải đi xa để lấy nước dùng nên vấn đề vệ sinh không được coi trọng. Không chỉ những quán ăn ở chợ mà ngay cả ở những hàng cơm bình dân trên các phố lớn vấn đề này cũng không được chú ý. Nhưng có một điều đặc biệt là chất tẩy rửa ở những nơi này hoàn toàn không được kiểm soát.

Khảo sát một số mặt hàng bán nước rửa bát, nước tẩy rửa có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng đang được bán trên thị trường như Sunlight, Mỹ Hảo, Duck, Vim, Gilf...; thì giá của các sản phẩm không nhãn mác rẻ hơn nhiều. Giá một chai Sunlight 500ml có giá bán đã là 8.000 đồng, chai 800ml có giá 13.000 đồng, trong khi hàng không nhãn mác chỉ bình quân khoảng từ 3.000-5.000 đồng/lít.

Chị Lê Thị Vinh, người chuyên rửa bát thuê ở chợ Mơ cho biết ban đầu chị rửa bát không có găng tay, được vài bữa da khô rát rồi bong ra nên phải mua găng tay để rửa bát nhưng cũng chẳng được mấy bữa găng tay đã rách, thủng.

Hiện nay, trên nhiều tuyến phố, người ta thường bắt gặp những chiếc xe đẩy bán đủ loại chất tẩy rửa, từ nước rửa sàn nhà, bồn tắm, toilet... đến các loại nước rửa chén bát đủ màu sắc với giá rất rẻ.

Với những loại nước rửa chén bát nhãn hiệu Sunlight, Mỹ Hảo..., người tiêu dùng phải mua với giá từ 10.000-15.000 đồng/chai (gần 800ml). Trong khi đó, với loại nước rửa chén tiêu chí ba không (không nguồn gốc, không tiêu chuẩn chất lượng và không công bố thành phần các hóa chất pha chế) thì chỉ cần từ 13.000-15.000 đồng là có ngay một chai loại năm lít.

Cũng cùng loại đó, tại một số cửa hàng trên phố Hàng Gà, Phạm Ngũ Lão lại đắt hơn, từ 17.000-20.000 đồng/chai/5lít, và tỏ ra thu hút đối với người tiêu dùng.

Theo những chủ cửa hàng này giải thích, vì chất lượng bảo đảm hơn, an toàn hơn cho người sử dụng và nhất là được pha chế theo công thức “chuẩn” hơn. Tuy nhiên, khi hỏi công thức pha chế này do cơ quan nào kiểm chứng thì các chủ cửa hàng này đều... không biết.

Đồng thời, họ cũng cho biết nếu dùng những loại nước rửa chén bát có độ tẩy càng sạch thì càng được pha chế nhiều chất sút ăn da nên khi sử dụng cần phải đeo găng tay. Vậy mà, những loại nước rửa chén bát giá rẻ này đang được các quán hàng ăn ưa chuộng.

Khó kiểm soát

Hiện nay, một số người nội trợ, nhất là những người có thu nhập thấp cũng như nhiều hàng quán, đặc biệt là các quán ăn bình dân, vỉa hè như các quán ốc, phở... tìm đến loại nước rửa chén trôi nổi với suy nghĩ đơn giản là tiết kiệm được một phần chi phí.

Tuy nhiên, họ lại không hề biết rằng đây chính là mối đe dọa với sức khỏe. Nước rửa chén trôi nổi chứa nhiều kiềm nên có “đặc điểm” rất nhớt, muốn rửa sạch phải mất nhiều thời gian, không ít hàng quán bình dân, vỉa hè như các quán ốc, bún, phở mang bát đĩa lên dùng chỉ sau vài lần tráng nước.

Bằng cách đó, hóa chất độc hại chứa trong nước rửa chén bát trôi nổi sẽ dễ dàng bám lại trên bề mặt chén đĩa, sau đó xâm nhập vào cơ thể và tích tụ lại gây ra những bệnh nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Theo Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, các hóa chất để làm nước rửa bát, đĩa gồm có chất tẩy rửa, chất làm đông, chất thơm và một số phụ gia làm mềm, phẩm màu.

Với sản phẩm nước rửa bát, đĩa đạt chuẩn sử dụng chủ yếu là màu thực phẩm, nhưng để hạ giá thành sản phẩm, các hộ kinh doanh thủ công thường sử dụng phẩm màu của Trung Quốc để pha chế. Nếu các loại phẩm màu được sử dụng không đúng liều lượng sẽ rất độc hại.

Nước rửa bát, đĩa của những hãng có thương hiệu và được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng thường sử dụng hóa chất có tác dụng tẩy sạch là Na-LAS trong khi nước rửa chén bát không nhãn mác chủ yếu sử dụng kiềm do giá thành của kiềm rẻ chỉ bằng 1/7 giá thành của Na-LAS.

Nguy hiểm ở chỗ nếu kiềm vượt quá mức cho phép sẽ rất nhớt và phải rửa thật nhiều nước, nhiều lần mới có thể sạch được, nếu không kiềm vẫn bám vào bát, đĩa có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cũng cảnh báo: trên thị trường hiện nay xuất hiện đủ loại nước rửa chén bát “vô danh tính” với hàm lượng các hóa chất không thể kiểm soát nổi. Các hóa chất, phẩm màu độc hại có trong các loại nước rửa bát sẽ bám vào chén, bát mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy.

Dần dần, lượng hóa chất này sẽ ngấm vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh. Nhưng thực tế, hóa chất ngoài tác động trực tiếp lên da, gây viêm da, dị ứng da, nổi mề đay, còn có thể thẩm thấu qua da tích tụ trong người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục