"Hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử giao phó"

Việc kết thúc 35 năm đàm phán tạo cơ sở xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã thay mặt Chính phủ hai nước ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn về sự kiện này.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc ký kết 3 văn kiện trên?

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Với việc ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu, Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử giao phó, tạo cơ sở cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa hai nước.

Sau khi được hai nước phê chuẩn, ba văn kiện này sẽ chính thức có hiệu lực và Hiệp ước biên giới trên đất liền ký năm 1999 sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt-Trung, tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị. Ba văn kiện này sẽ là cơ sở để các ngành hữu quan hai nước triển khai công tác quản lý biên giới một cách hiệu quả và khoa học.

Việc hoàn thành 3 văn kiện trước thời hạn hơn 1 tháng là kết quả của sự nỗ lực chung của cả hai bên, là sự đóng góp thiết thực kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và là sự kiện mở đầu cho “Năm hữu nghị Việt-Trung 2010”.

Xin Thứ trưởng cho biết nội dung chính của những văn kiện trên?

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nghị định thư phân giới cắm mốc là văn kiện dày 450 trang với trên 2.200 trang Phụ lục kèm theo, gồm bộ bản đồ địa hình khu vực biên giới Việt-Trung; tập “Bảng đăng ký mốc giới”; tập “Bảng tọa độ, độ cao mốc giới” và tập “Bảng quy thuộc các cồn, bãi trên sông suối biên giới”.

Nghị định thư mô tả chi tiết hướng đi của toàn bộ đường biên giới, các chi tiết tọa độ cũng như độ cao của từng cột mốc trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc. Để tiện cho việc quản lý, Nghị định thư chia đường biên giới trên đất liền Việt-Trung thành 8 đoạn, mỗi đoạn biên giới và mỗi mốc giới có 1 bộ hồ sơ riêng, bao gồm lời văn mô tả, sơ đồ tọa độ và bản đồ.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam-Trung Quốc, từng đoạn biên giới, từng cột mốc biên giới giữa hai nước được thể hiện một cách rõ ràng nhất không chỉ bằng lời văn mà cả trên các sơ đồ và bản đồ, giúp cho người dân có thể dễ dàng nhận biết được đường biên giới.

Trên cơ sở Nghị định thư phân giới cắm mốc có thể áp dụng những phương pháp quản lý hiện đại, kể cả áp dụng kỹ thuật số trong công tác quản lý biên giới, tạo điều kiện cho các cán bộ trực tiếp làm công tác biên giới thực thi nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả nhất.

Hiệp định về quy chế quản lý biên giới quy định rõ những nội dung công việc cụ thể của các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới; quy định chi tiết về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước sông suối biên giới; các quy định về sự qua lại biên giới của người, phương tiện và hàng hóa; quy chế phối hợp trong việc duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự trên vùng biên giới. Kèm theo Hiệp định còn có 18 Phụ lục quy định các loại mẫu giấy tờ trao đổi giữa hai bên trong quá trình xử lý các công việc trên vùng biên giới hai nước.

Hiệp định về quy chế quản lý biên giới sẽ thay thế Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc trên vùng biên giới Việt-Trung ký giữa Chính phủ hai nước năm 1991. Hiệp định về quy chế quản lý biên giới vừa ký đã bổ sung nhiều nội dung chi tiết hơn, đồng thời nêu ra các nguyên tắc và biện pháp cụ thể trong việc giải quyết từng vấn đề liên quan đến biên giới trên đất liền Việt-Trung, kể cả những vấn đề nảy sinh như các biện pháp giải quyết vấn đề xuất nhập cảnh trái phép; các nguyên tắc về xây dựng các công trình ở vùng nước biên giới, vùng biên giới hay sửa chữa, khôi phục mốc giới...

Hiệp định nêu rõ hai bên thỏa thuận thành lập Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc để phối hợp, đôn đốc, giám sát việc triển khai công tác quản lý biên giới; thỏa thuận mỗi bên cử 8 người đại diện phụ trách công tác quản lý ở từng đoạn biên giới. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với Hiệp định tạm thời 1991.

Trước đây, nội dung các vấn đề liên quan đến cửa khẩu được nêu trong Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc trên vùng biên giới ký năm 1991. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc quản lý và xử lý các công việc liên quan tới sự qua lại tại các cửa khẩu giữa hai nước, Việt Nam và Trung Quốc đã xây dựng một Hiệp định riêng về các vấn đề liên quan đến cửa khẩu trên biên giới Việt-Trung. Điều này phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn và thông lệ quốc tế hiện nay.

Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu quy định danh mục 9 cặp cửa khẩu đã mở và 13 cặp cửa khẩu dự kiến sẽ mở trong tương lai; quy định thời gian làm việc của các cặp cửa khẩu, việc người, phương tiện và hàng hóa qua lại cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc; quy định về quy trình, thủ tục mở các cặp cửa khẩu mới.

Tóm lại, ba văn kiện vừa ký kết cùng với Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 1999 là bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất về đường biên giới trên đất liền Việt-Trung. Với bộ hồ sơ này, đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã được xác định rõ ràng, chính xác. Bộ hồ sơ này là cơ sở để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đường biên, mốc giới giữa hai nước.

Theo Thứ trưởng, hai bên cần tiếp tục triển khai những công việc gì trong thời gian tới?

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Sắp tới, hai bên còn phải triển khai một số công việc sau:

Thứ nhất, cần hoàn tất các thủ tục nội bộ phê chuẩn các văn kiện theo quy định và trao đổi công hàm xác nhận việc phê chuẩn để các văn bản này chính thức có hiệu lực. Hai bên đã thỏa thuận hoàn tất công việc này trong vòng 6 tháng tới.

Thứ hai, xúc tiến việc thành lập Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam-Trung Quốc để điều phối các lực lượng chức năng mỗi bên trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Thứ ba, tiến hành bàn giao trên thực địa các khu vực quy thuộc mỗi bên theo Hiệp ước biên giới trên đất liền ký năm 1999 và Nghị định thư phân giới cắm mốc.

Thứ tư, cùng phối hợp tuyên truyền, giáo dục cư dân vùng biên giới hai nước tôn trọng đường biên giới mới, nâng cao ý thức của cư dân biên giới hai nước trong việc bảo vệ đường biên, mốc giới.

Thứ năm, nhằm tạo thuận lợi cho tàu thuyền hai bên qua lại khu vực cửa sông Bắc Luân và hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc, hai bên cần sớm tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định về quy chế tự do đi lại của tàu thuyền ở khu vực cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác khai thác tiềm năng du lịch thác Bản Giốc trong năm 2010.

Xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc triển khai các văn bản được ký kết?

Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Chúng ta sẽ tích cực phối hợp với phía Trung Quốc triển khai các công việc như đã nêu ở trên. Bộ Ngoại giao sẽ trình Chủ tịch nước phê duyệt 3 văn kiện vừa ký và sớm trao đổi công hàm xác nhận với phía Trung Quốc.

Về mặt nội bộ, với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các ngành và địa phương liên quan lên kế hoạch mở các lớp tập huấn, phổ biến những nội dung trong ba văn kiện vừa ký kết, nhất là đối với những người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý, giải quyết công việc trên vùng biên giới Việt-Trung.

Bộ Ngoại giao cũng sẽ làm việc với các địa phương hữu quan về công tác chuẩn bị tiếp nhận và bàn giao các khu vực quy thuộc mỗi bên theo Hiệp ước 1999 và theo Nghị định thư phân giới cắm mốc.

Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương và các ngành hữu quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về nội dung, ý nghĩa của các văn kiện này nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội trong việc thực thi Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc ký năm 1999 và các văn bản vừa ký kết, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục