G-20 xây dựng trên cơ sở cam kết phát triển xanh

UNEP kêu gọi lãnh đạo các nước G-20 trên cơ sở cam kết trước đây xây dựng và hướng tới sự phục hồi xanh bằng các hành động cụ thể.
Ngày 9/11, ông Achim Steiner, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), kêu gọi lãnh đạo các nước phát triển và các nền kinh tế đang nổi (G-20) trên cơ sở cam kết trước đây xây dựng và hướng tới sự phục hồi xanh, bền vững bằng những hành động cụ thể hơn.

Trong một tuyên bố đăng trên báo chí Hàn Quốc nhân dịp Hội nghị G-20 sắp diễn ra tại đây, ông Achim Steiner nêu rõ "Cách đây một năm tại London (Anh), các nhà lãnh đạo G-20 đã đưa ra quan điểm này nhằm tạo ra sự phục hồi toàn diện, bền vững và xanh."

"Tại Seoul lần này, quan điểm đó cần được phát triển theo hướng không những phục hồi xanh mà còn phát triển toàn diện, xanh, bền vững trên cơ sở công nghệ sạch và tầm quan trọng của việc duy trì các dịch vụ trị giá nhiều nghìn tỷ USD của thiên nhiên".

Ông Achim Steiner kêu gọi các nhà lãnh đạo G-20 tích cực hành động để ổn định các ngân hàng và giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng khả năng bảo đảm tài chính, triển vọng việc làm lâu dài và các thách thức rộng lớn hơn như giải quyết tình trạng nghèo đói trong thế kỷ 21 sẽ không trở thành hiện thực nếu chỉ giải quyết những mâu thuẫn vốn có trong các hình thức kinh tế hiện nay.

Ông nêu tiếp: "Điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu chính sách công và các khoản đầu tư của khu vực tư nhân phù hợp với các biện pháp giải quyết nhiều thách thức phục hồi ngắn hạn, kèm theo quan điểm tạo cơ hội lâu dài cho nhiều người chứ không chỉ một số người." Ông khẳng định G-20 có khả năng trở thành cơ sở vững chắc cho nhiều nước biến đổi nền kinh tế của họ theo hướng phát triển xanh.

Nhà lãnh đạo UNEP cũng chỉ ra rằng, công việc này đòi hỏi các chính phủ phải có những giải pháp thích hợp và hiện đại.

Tháng trước, tại hội nghị về đa dạng hóa sinh học ở Nagoya (Nhật Bản), các đại biểu đã nhất trí thông qua một nghị định thư mới mang tính lịch sử, trong đó đề ra các quy định cơ bản nhằm cải thiện việc tiếp cận và chia sẻ các nguồn gen của thế giới.

Ông Achim Steiner nhấn mạnh "Ngày càng nhiều ngân hàng và các quỹ trợ cấp nhận thấy các khoản đầu tư của họ rất dễ rủi ro vì hệ sinh thái bị phá hủy. Hiện nay, ngày càng nhiều người coi việc gián đoạn các nguồn cung cấp lương thực cũng như hàng loạt thách thức khác liên quan đến thất thoát các nguồn tự nhiên là mối đe dọa lớn đối với loài người"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục