Các nền kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng vững chắc

IMF khẳng định mặc có dấu hiệu chững lại trong năm 2012, song các nền kinh tế Mỹ Latinh vẫn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc.
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế Tây Bán cầu" công bố ngày 26/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định mặc có dấu hiệu chững lại trong năm 2012, song các nền kinh tế Mỹ Latinh vẫn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc.

IMF dự báo những nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 3,75% trong năm nay và 4% trong năm tiếp theo.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế Mỹ Latinh. Những điều kiện quốc tế thuận lợi với giá hàng hóa cao và các nguồn tài trợ bên ngoài rẻ và dư thừa là những nhân tố đẩy cầu trong nước cao và khuyến khích các nguồn tín dụng đổ vào khu vực này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn rất mong manh và dễ bị đảo ngược, IMF cảnh báo Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với 3 nguy cơ tiềm ẩn xuất phát từ những căng thẳng kinh tế ở châu Âu, khả năng biến động đột biến của giá dầu và những hiểm họa trung hạn do mất cân bằng tài chính ở Mỹ vẫn dai dẳng.

Thêm vào đó, Nhật Bản chưa giải quyết được các vấn đề thị trường tài chính và sự hạ cánh khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và giá hàng hóa.

Theo các chuyên gia IMF, trong bối cảnh chung đó, thách thức đối với các nước Mỹ Latinh là tận dụng lợi thế của các điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng lại không gian tài chính trong đó, chính sách tiền tệ cần đảm bảo linh hoạt cần thiết để điều tiết chu kỳ kinh tế. Thách thức này có ý nghĩa sống còn với các nền kinh tế Nam Mỹ, tuy nhiên, sản lượng đã gần đạt hoặc đã cao hơn mức tiềm năng nên cần cảnh giác trước nguy cơ tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế.

Trong khi đó, các nền kinh tế Trung Mỹ và Mexico phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế Mỹ so với các nước láng giềng phía Nam khác cần thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng lại các "vùng đệm" tài chính. IMF cảnh báo những nhân tố như khả năng thanh toán yếu và sự phụ thuộc lớn vào ngành du lịch tiếp tục kiềm chế tăng trưởng của các nền kinh tế Mỹ Latinh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục