Hàng trăm cây chè cổ thụ Suối Giàng bị mối tàn phá

Cứ theo đà phá hoại của dịch mối xông chè như hiện nay thì hàng trăm cây chè cổ thụ và 400ha chè Suối Giàng có nguy cơ biến mất.
Cứ theo đà phá hoại của dịch mối xông chè như hiện nay thì hàng trăm cây chè cổ thụ nổi tiếng cùng với 400ha chè Suối Giàng ở Yên Bái có nguy cơ biến mất.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết dịch mối xông ở cây chè cổ thụ xã Suối Giàng đang phát triển mạnh nhất vào mùa khô. Nguyên nhân có thể do gốc chè không giữ được độ ẩm thích hợp là điều kiện để mối phát triển.

Thực tế cho thấy ở những nơi bị phát quang gốc thì mối xông càng nhiều. Hiện việc chữa trị cho những cây chè cổ thụ trở thành vấn đề nan giải.

Dịch mối xông cây chè cổ thị Suối Giàng bắt đầu xuất hiện cách đây chừng 10 năm, nhưng hai năm trở lại đây chè chết nhiều hơn. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng diện tích chè bị sâu bệnh khoanh vùng khoảng 30ha, tập trung nhiều ở khu Bản Mới, còn các khu khác thì lác đác.

Dịch mối xông chè cổ thụ Suối Giàng đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người Mông nơi đây, bởi thu nhập của họ phần lớn phụ thuộc vào những cây chè này. Hơn nữa đây còn là Trung tâm Du lịch Sinh thái Suối Giàng đang được tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng sẽ khó đem lại hiệu quả, nếu các cây chè cổ thụ này không còn nữa.

Anh Giàng A Sềnh ở thôn Cáng cho biết: "Nhà mình có chừng 5.000m2 chè, trước đây cho thu nhập khá, nay đã giảm đi rất nhiều chỉ vì dịch mối xông. Ban đầu mối hại ở gốc chè, sau đó ăn lên thân cây chè làm cây chè khô dân sau đó mối sẽ ăn sâu vào trong làm chè chết. Mình cũng đã mua thuốc sâu từ ngoài chợ về để diệt mối nhưng chỉ có những con mối ở bên ngoài chết thôi, còn những con ở bên trong cây chè nó không chết được nên mình chẳng biết làm thế nào để diệt nó được nữa."

Còn theo ông Sổng A Nủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Suối Giàng: “Chè chết ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân. Ban đầu mối tấn công vào gốc chè khiến cây chè không có búp, sau nhiều năm nó gặm nhấm lên tận ngọn, rồi chè chết dần chết mòn. Trước mắt xã đã mua thuốc bảo vệ thực vật xử lý bằng cách phun vào đường mối đi, gạt đất phun vào bên trong. Qua kiểm tra 15 ngày cây không bị mối nữa. Nhưng do phun thuốc ảnh hưởng đến chất lượng chè nên không tiếp tục phun nữa, cần phải nghiên cứu giải pháp để vừa cứu được chè vừa không ảnh hưởng đến chất lượng chè Suối Giàng. Xã mong muốn các nhà khoa học về xem xét và giải cứu những cây chè cổ khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt.”

Để giải quyết tình trạng này, huyện Văn Chấn đã phối hợp với các ngành chức năng, những tổ chức khoa học nông nghiệp, khảo sát tìm những mô hình thích hợp để cứu lấy những gốc chè cổ. Song mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Lê Viết Bảo, Trưởng khoa Trồng trọt trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết cuối tháng 12 vừa rồi, trường đã tổ chức đoàn cán bộ lên khảo sát tình hình cho thấy dịch mối xông đang phát triển mạnh, vì vậy bản thân anh cùng các cán bộ trong trường đang nghiên cứu biện pháp phòng trừ bằng cách đào hố, rồi cho thức ăn có chế phẩm sinh học để diệt mối vào để dụ mối về. Khi mối về ăn chế phẩm sinh học đó sẽ ngấm vào mối và truyền sang các con mối khác sẽ diệt được mối. Mặt khác, mối đến ăn sẽ mang thức ăn về cho mối chúa và như vậy hiệu quả của diệt mối sẽ cao.

Tuy vậy, biện pháp này mới đang trong quá trình nghiên cứu, thời gian tới sẽ thử nghiệm nếu thành công sẽ áp dụng đại trà.

Cũng theo thạc sỹ Bảo, trước mắt huyện Văn Chấn hướng dẫn cho người trồng chè ở Suối Giàng trồng dặm những cây chè mới vào những nơi chè chết, không chăn thả gia súc vào đồi chè, không nên làm sạch cỏ và cây bụi mà nên giữ lại để giữ độ ẩm cho cây chè...

Xã Suối Giàng là vùng đất được vinh danh bởi những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã làm nên thương hiệu của ngành chè Suối Giàng nổi tiếng. Toàn xã hiện có 400ha, trong đó chè cổ có khoảng 400 gốc từ 100-300 tuổi được chọn để làm giống. Hàng năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi, bán với giá trung bình 7.000đồng/kg, thu về cho bà con trong xã trên 3 tỷ đồng./.

Đức Tưởng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục