Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed El-Orabi từ chức

Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ nội các nhằm xoa dịu người biểu tình trong những ngày qua đòi hỏi đẩy nhanh tiến trình cải cách.

Truyền hình nhà nước Ai Cập đưa tin Thủ tướng nước này Essam Sharaf ngày 16/7 đã chấp thuận đơn từ chức của Ngoại trưởng Mohammed El-Orabi. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ nội các của ông Sharaf nhằm xoa dịu người biểu tình trong những ngày qua đòi hỏi đẩy nhanh tiến trình cải cách.

 

Thủ tướng Essam Sharaf bổ nhiệm ông El-Orabi làm ngoại trưởng ngày 19/6 để thay thế ông Nabil al-Arabi, người đã được bầu làm Tổng Thư ký Liên đoàn Arập hồi tháng Năm. Trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, ông El-Orabi là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế. Ông El-Orabi đã hoạt động trong ngành ngoại giao từ năm 1976, từng làm Đại sứ Ai Cập tại Đức và một số nước khác.

 

Hiện ông Sharaf đang tham vấn các chính trị gia về một cuộc cải tổ nội các mà ông cam kết tiến hành tuần trước sau khi người dân lại biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo để thúc đẩy cải cách và nhanh chóng xét xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy quần chúng hồi tháng Hai.

 

Trong khi đó, hãng MENA đưa tin Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf đã bổ nhiệm 2 phó thủ tướng mới trong chính phủ đó là một nhà kinh tế kỳ cựu và một thành viên có ảnh hưởng của một đảng tự do nhằm xoa dịu những người biểu tình đang tố cáo tiến trình cải cách chậm chạp. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong công tác cải tổ nội các.

 

Theo quyết định này, ông Hazem Beblawi, giáo sư kinh tế, cựu thư ký điều hành Uỷ ban kinh tế xã hội Tây Á của LHQ, sẽ chịu trách nhiệm giám sát chính sách kinh tế trong chính phủ mới dự kiến sẽ được công bố trong ngày 18/7, và ông Ali al-Silmi, quan chức cấp cao của Đảng Wafd theo đường lối tự do, phụ trách các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp dân chủ.

 

Thủ tướng Essam Sharaf hiện đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình ngày càng lớn của người dân nhằm bày tỏ sự không hải lòng đối với chính phủ và Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA) hiện nắm quyền điều hành đất nước kể từ khi chế độ của Cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ ngày 11/2 do sức ép từ các cuộc biểu tình đường phố chống chính phủ.

 

Ngày 15/7, hàng nghìn người Ai Cập lại xuống đường trên cả nước đòi cải cách chính trị. Hơn 28 nhóm chính trị đã kêu gọi biểu tình nhằm thúc giục CSFA thực hiện cải cách. Tại thủ đô Cairô, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Tahir, nơi diễn ra các cuộc biểu tình ngồi từ một tuần qua.

 

Những người biểu tình yêu cầu CSFA có một kế hoạch rõ ràng và minh bạch cho sự chuyển giao quyền lực và cáo buộc quân đội nắm giữ hoàn toàn quyền lực. Họ cũng kêu gọi các quan chức cao cấp của cơ quan tư pháp, trong đó có trưởng công tố, bộ trưởng tư pháp từ chức và trả tự do cho các tù nhân chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục