Chật vật mưu sinh sau lũ

Người dân vùng rốn lũ xứ Nghệ còng lưng mưu sinh

Thiên tai đã khiến những người vốn cả đời lam lũ với nghề nông, nay lại đổ xô ra đồng kiếm tìm những thứ sót lại sau lũ để mưu sinh.
Dù đã qua 3 ngày nước rút hẳn, nhưng người dân ở những vùng rốn lũ của xứ Nghệ như Yên Thành, Hưng Nguyên, Đô Lương, vẫn chưa thể trở lại được cuộc sống thường ngày.

Thiên tai đã khiến những người vốn cả đời lam lũ với nghề nông, nay lại đổ xô ra những cánh đồng nước vừa rút đi để  tận thu từng hạt thóc rơi vãi và kiếm tìm con cua, con tép.

Bát cơm thơm... mùi bùn

Sáng xứ Nghệ. Bầu trời xám xịt bao trùm khắp cánh đồng, nhiều phụ nữ, trẻ em còng lưng nhặt nhạnh những bông lúa, hạt thóc rơi vãi qua những ngày nước ngập.

Chỉ cho chúng tôi cánh đồng lúa đã bị ngập trắng vào những ngày lũ, nay ngổn ngang rơm mục nơi những con trâu đang uốn mình nằm tắm mát, ông Nguyễn Đăng Chu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) không thể nén nổi sự xót xa: “Trong đợt mưa lũ vừa qua, Nhân Sơn là xã bị ngập úng nặng nề nhất ở huyện Đô Lương. Do địa hình vùng trũng, nên 179,9 ha lúa vụ hè thu đã bị ngập nặng, trong đó 149 ha bị mất trắng.”

Một trong 8 hộ gia đình bị ngập nhà và thiệt hại lúa, hoa màu nặng nề nhất ở xã là hộ ông Nguyễn Bá Lĩnh, ở xóm 6.

Chia sẻ với phóng viên Vietnam+, ông Lĩnh kể, mấy ngày mưa lũ về, cả khoảng cánh đồng lúa hàng ngàn héc ta ngập băng trong nước. Chỉ trong vòng một đêm mưa trút xuống, nước đã ngập vào đến nửa ngôi nhà ông, khiến cả gia đình phải tỉnh giấc, bỏ của chạy lấy người.

Sau 3 ngày ‘sống chung với lũ,’ rồi nước cũng rút. Thế nhưng, toàn bộ 5 sào ruộng lúa của gia đình ông Lĩnh đã bị mất trắng.

“Mọi năm, thời gian này bà con đang thu hoạch vụ mùa, nhộn nhịp lắm. Nhưng năm nay thì lúa đồng mất trắng, bông lúa rỉ mầm và hôi thối. Những ngày ni, chúng tôi buộc phải ra đồng chỉ để cố tận thu nguồn lúa bị rơi vãi, mang về dùng tạm,” ông Lĩnh ngán ngẩm nói.

Theo sự chỉ dẫn của vị Chủ tịch xã Nhân Sơn, chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Đăng Thanh, một hộ khác bị thiệt hại nặng nề nhất về lúa, hoa màu và nhà cửa. Những ngày này, hai vợ chồng ông Thanh chỉ biết mưu sinh ở ngoài đồng, để nhặt lúa và mò cua đem bán kiếm chút tiền chi tiêu.

Bên bát cơm còn thoang thoảng mùi vị của thứ gạo lên mẩm, ẩm mốc, ông Thanh cho biết: “Đợt lũ vừa rồi đã cướp trắng của gia đình tôi 5 sào ruộng, trong nhà lại không còn hạt gạo cũ nào nên vợ chồng tôi phải ra đồng vớt lúa, để dùng tạm.”

“Biết là khó ăn, nhưng cũng phải nuốt, bởi trong nhà giờ không còn một hạt gạo cũ nào. Và cũng chả có tiền mà mua gạo mới, gạo sạch,” ông Thanh thở dài.

Còng lưng mưu sinh

Vào những ngày này, khắp các ngả đường, lối xóm ở rốn lũ Đô Lương, hình ảnh chúng tôi thường gặp nhất là những bó lúa phơi ngổn ngang trên đường, triền đê. Những đống rơm mục ướt, chất lâu ngày bốc hơi hùn hụt.

Trên cánh đồng xã Nhân Sơn, những người phụ nữ cùng với trẻ em còng lưng mò thóc ở dưới ruộng bùn.

Ngồi bên bờ ruộng, bà Nguyễn Thị Xuân, (53 tuổi, ở xóm 6, xã Nhân Sơn) rầu rĩ: “Trước ngày cánh đồng lúa bị ngập băng nước, nhà tôi có gặt vội được 4 tạ thóc, nhưng vì mấy ngày liền mưa không ngớt đã lên mầm hết. Dừ đưa ra phơi, cố mà ăn thôi.”

Cách không xa, bà Phạm Thị Thu (62 tuổi, ở xóm 5, xã Nhân Sơn) tay không ngừng nhặt lấy những bông lúa đặc sánh bùn đất rơi vãi trên ruộng. Cầm bông lúa nặng trĩu bùn đất, bà Thu bảo, trận lũ vừa rồi nhà bà bị mất trắng 3 sào lúa, những ngày tháng tới cả gia đình (5 người- PV) chỉ biết trông vào 3 tạ thóc may mắn gặt được trước khi lũ về.

Xót xa hơn, trên cánh đồng lúa thất thu ấy, chúng tôi còn thấy cả những đứa trẻ còng lưng mò cua, bắt rắn, thi thoảng lại cúi xuống nhặt lấy những bông lúa ló lên trên mặt bùn.

Khuôn mặt lấm lem bùn đất, cháu Nguyễn Thị Lý (12 tuổi ở xóm 6, xã Nhân Sơn) bùi ngùi nói: “Mùa này, nhà cháu mất trắng lúa rồi. Thương bố mẹ và không muốn phải bỏ học nên cháu phải tìm cách kiếm tiền đỡ đần bố mẹ, để lấy tiền ăn học.”

Cái ăn mất trắng. Cái đói hiện về, buộc những đứa trẻ như Lý phải nghĩ tới từng bữa ăn và cả cách kiếm tiền ở chốn quê nghèo.

Theo chân cháu Lý về thăm gia đình, hình ảnh đầu tiên ập vào tầm mắt chúng tôi là đống lúa trắng xóa như giá. “Số lúa đó nhà cháu vớt được sau lũ đó chú ạ! Cháu cố đem đi phơi rồi sàng lọc để cả nhà ăn, số còn lại nghiền cho gà vịt,” Lý thật thà nói.

Nhà Lý nằm ở vùng tâm lũ, xóm 7, xã Nhân Sơn. Trong ngôi nhà cấp bốn tuyềnh toàng, ngai ngái mùi bùn ấy, trông cô bé Lý trở nên già hơn nhiều so với cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.

Hỏi về bố mẹ, Lý bảo: “Bố mẹ cháu đi gánh gạch thuê. Chú muốn gặp thì đến buổi trưa hoặc chiều tối, bố mẹ cháu mới ở nhà ạ.”

Tại huyện Yên Thành, nhiều hộ gia đình ở xã Long Thành, Khánh Thành… cũng phải chịu cảnh thất thu vụ mùa. Nhiều người dân phải ra đồng, mò mẫm từng bông lúa bị nhấn chìm trên ruộng bùn.

Bên đống lúa thấm đen bùn đất, anh Phạm Xuân Hà (xã Khánh Thành) bảo: "Số lúa này con tôi nhặt ngoài đồng, lẽ ra chỉ để cho gà vịt, nhưng năm nay thất thu nên tôi cố phơi sấy cẩn thận, để dùng cho những ngày tới"./.
Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục