Du lịch Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Tổng cục Du lịch Việt Nam đang hoàn thiện 2 đề án về chiến lược phát triển du lịch, đồng thời xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn về dịch vụ.
Hướng tới mục tiêu phát triển một ngành du lịch bền vững mang thương hiệu Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang hoàn thiện đề án “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và Tầm nhìn 2030;” đề án “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đến năm 2020.”

Ngành Du lịch cũng đang triển khai xây dựng hai bộ tiêu chuẩn gồm “Tiêu chuẩn tàu thủy lưu trú du lịch” và “Tiêu chuẩn Việt Nam - Du lịch và dịch vụ có liên quan - Thuật ngữ và định nghĩa.”

Tổng cục Du lịch đã tổ chức khảo sát một số khách sạn về khả năng áp dụng nhãn Bông Sen trong hệ thống khách sạn Việt Nam; đang hoàn thiện tiêu chí nhãn sinh thái Bông Sen xanh; nghiên cứu, xây dựng qui hoạch, định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Thống kê từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cho thấy đến hết tháng 6/2011, cả nước có khoảng 12.000 cơ sở lưu trú du lịch với 235.000 buồng; trong đó, số lượng khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao chiếm tỷ lệ khoảng 2%, số buồng chiếm khoảng 19%.

Cụ thể, trên địa bàn cả nước có 48 khách sạn 5 sao với 12.056 buồng; 110 khách sạn 4 sao với 13.943 buồng; 235 khách sạn 3 sao với 16.353 buồng.

Trong sáu tháng đầu năm 2011, ngành du lịch đã thẩm định 181 hồ sơ cấp, đổi, cấp lại, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp lữ hành.

Tính đến nay (14/6/2011), cả nước có 960 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 39 doanh nghiệp nhà nước, 317 doanh nghiệp cổ phần, 14 doanh nghiệp liên doanh, 586 công ty trách nhiệm hữu hạn, 4 doanh nghiệp tư nhân.

Ngành du lịch chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đảm bảo chất lượng, ổn định giá cả dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong các dịp cao điểm, lễ, tết…

Ngành tổ chức kiểm tra, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan lựa chọn những giải pháp chấn chỉnh tình trạng mất an toàn trong hoạt động du lịch, hoạt động kinh doanh lữ hành, hoạt động đón trả khách… tại những địa bàn du lịch trọng điểm./.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục