UNWTO kêu gọi thế giới hợp tác phục hồi du lịch

Tổng thư ký UNWTO hối thúc thế giới "cùng chung tay" phục hồi ngành du lịch thế giới với dự đoán ngành này sẽ tăng trưởng 3-4%.
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch Quốc tế Boao 2010, khai mạc cuối tuần qua tại thành phố Sanya, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) Taleb Rifai đã hối thúc thế giới "cùng chung tay" phục hồi ngành du lịch thế giới.

Ông Rifai nhấn mạnh bất kỳ một chính phủ hay một tổ chức đơn lẻ nào đều không thể giải quyết được các tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời nói nỗ lực này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu cũng như sự can thiệp hiệu quả của các chính phủ.

Theo đánh giá của ông Rifai, ngành du lịch thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, sau năm 2009 được coi là khó khăn nhất khi doanh thu của ngành du lịch toàn cầu giảm 4%. Ông dự đoán ngành du lịch thế giới sẽ tăng trưởng 3-4% trong năm 2010.

Du lịch bùng nổ không chỉ giúp tạo nhiều việc làm, mà còn giúp thúc đẩy phát triển các ngành liên quan. Tuy nhiên, ông Rifai nói rằng vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung đã và đang không được đánh giá đầy đủ, trong khi giới nhà lãnh đạo chính phủ cũng như các thể chế tài chính đang chú trọng nhiều hơn đến các lĩnh vực chế tạo ôtô, bảo hiểm và những ngành kinh tế khác đóng góp nhiều hơn vào GDP.

Ông Rifai cũng nêu bật tầm quan trọng của sự hợp giữa các chính phủ cũng như giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Ông hối thúc các tổ chức du lịch quốc gia tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, với mục tiêu đem lại thịnh vượng và các lợi ích khác cho xã hội.

Tổng thư ký UNWTO cho rằng thất nghiệp và nợ chính phủ là những lo ngại chính liên quan đến sự phục hồi của ngành du lịch thế giới.

Tăng trưởng hiện nay của ngành du lịch đang được hỗ trợ bởi chính sách kích thích của chính phủ. Song, nợ công khổng lồ, hiện lan rộng trên khắp thế giới, có thể khiến các chính phủ ngừng hỗ trợ cho ngành du lịch, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà phục hồi vốn chỉ mới "bắt đà" của ngành công nghiệp không khói này.

Các tổ chức quốc tế từng đưa ra những dự đoán rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng thất nghiệp tiếp tục là một vấn đề cho tới năm 2012, vì tăng trưởng trong một số ngành chỉ tạo ra rất ít việc làm.

Ông Rifai nhận xét: "Với tỷ lệ thất nghiệp cao, các chính phủ sẽ bơm nhiều tài chính hơn để hỗ trợ người thất nghiệp và cắt giảm hỗ trợ cho ngành du lịch. Trong khi đó, thất nghiệp có thể dẫn đến căng thẳng xã hội, và đây là nhân tố không có lợi cho ngành du lịch."

Ông Rifai nhận định Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành điểm đến du lịch lớn nhất thế giới vào năm 2015. Theo ông, Trung Quốc hiện là điểm đến lớn thứ tư trong bản đồ du lịch thế giới, và với tốc độ tăng trưởng ngày một nhanh, nước này sẽ thực hiện được mục tiêu nói trên.

Hiện tại, Pháp là điểm đến lớn nhất, với lượng khách quốc tế đạt 80 triệu lượt người mỗi năm, tiếp đến là Mỹ và Tây Ban Nha với 60 triệu lượt khách nước ngoài/năm mỗi nước, trong khi Trung Quốc chỉ đón khoảng 48 triệu lượt khách.

Ông Rifai đánh giá: "Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây. Số khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc đã tăng mạnh từ 8 triệu lên gần 48 triệu lượt khách trong giai đoạn này. Tiềm năng tăng trưởng của ngành du lịch Trung Quốc vẫn còn rất lớn nhờ quy mô rộng lớn của nước này."

Cũng tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo ngành du lịch đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cam kết đẩy mạnh hợp tác để giải quyết những tác động tiêu cực đối với ngành du lịch không khói này.

Theo Tuyên bố Du lịch Hải Nam, do những đặc tính nhạy cảm đặc thù, ngành du lịch thế giới cần phải thiết lập cơ chế hợp tác và phát triển để cùng nỗ lực ứng phó với các thảm hoạ, dịch bệnh cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế và những hiện tượng bất thường khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục