Tranh cãi quanh phim về nhân vật Hồi giáo tôn kính

Một bộ phim về nhân vật Hồi giáo tôn kính gây tranh cãi khi các khán giả nói phim phải ngưng phát vì nội dung mô tả bị Hồi giáo cấm.
Một chương trình truyền hình mô tả một nhân vật Hồi giáo được tôn kính đã gây ra tranh cãi trong thế giới Ả rập khi hàng nghìn người nói chương trình này phải ngưng phát sóng vì những gì nó tả lại bị Hồi giáo cấm. Bộ phim lịch sử nhiều tập, Omar, kể về câu chuyện của Omar Ibn al-Khattab, một người bạn thân của nhà tiên tri Mohammed và là một nhà cai trị đầy ảnh hưởng đã chứng kiến Hồi giáo mở rộng quy mô trong suốt thế kỷ thứ 7. Bộ phim trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi giữa những người Hồi giáo bảo thủ và cải cách. Được chiếu đúng vào tháng lễ Ramadan, khi lượng khán giả xem truyền hình thường đạt cao nhất tại các nước Hồi giáo và tiền quảng cáo đổ vào nhiều nhất, Omar đã gây sóng gió suốt một thời gian qua. Nhà sản xuất Saudi Arabia của bộ phim, Trung tâm phát thanh truyền hình Trung Đông (MBC) nói đây là bộ phim tiếng A-rập lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 30.000 diễn viên và một đội ngũ kỹ thuật từ 10 nước khác nhau, tiêu tốn 300 ngày cho 31 tập phim. Al-Azhar, cơ quan bảo vệ giáo lý đạo Hồi Sunni đặt trụ sở tại Cairo, Ai Cập, đã ban bố lệnh fatwa, tương đương án trục xuất khỏi đạo, với bộ phim vì cho rằng mô tả nhà tiên tri Mohammed và những đồng đội của ông bị Hồi giáo cấm. Dar al-Ifta, trung tâm nghiên cứu luật pháp và bảo vệ đạo đức Hồi giáo của Saudi Arabia, tỏ ra tán đồng với quan điểm của Al-Azhar. Dù việc mô tả nhà tiên tri thông qua hình ảnh không bị cấm công khai trong kinh Koran, các học giả Hồi giáo Sunni nhìn chung nhất trí không cho phép điều đó vì nó có thể dẫn tới tội phỉ báng, vốn bị cấm nghiêm ngặt. Hàng nghìn người đã lên các trang mạng xã hội lên án bộ phim và yêu cầu ngưng phát sóng. “Những biểu tượng của quốc gia đang trong vùng nguy hiểm”, một người dùng Facebook viết. “Hãy nói không với phim Omar”. Các diễn viên “sẽ làm vấy bẩn hình ảnh (của nhà tiên tri và các đồng đạo) thông qua vai diễn của họ trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình và kịch khác”, một người nữa viết. Một trang khác có ảnh các diễn viên và dòng chữ “Nỗi hổ thẹn cho những người Hồi giáo” bên dưới.

Một cảnh trong phim Omar (Nguồn: thenational)
Nhưng những nhà sản xuất phim nói họ nhận được sự ủng hộ từ một số giáo sĩ cấp cao đã xem xét tính chính xác về mặt lịch sử của bộ phim, bao gồm giáo sĩ Ai Cập nhiều ảnh hưởng Sheikh Yousef al-Qaradawi. Nhà phê bình phim truyền hình Ai Cập Tarek al-Shennawi nói việc phim Omar được sản xuất và trình chiếu bởi các công ty Arập Xêút là một thất bại của các định chế Hồi giáo chính thức như Al-Azhar và Dar al-Ifta. “Rất nhiều định chế này vẫn giữ quan điểm cũ kỹ, trong khi các định chế khác đã từ lâu chấp nhận việc mô tả”, ông nói với AFP. “Trong đạo Hồi, không có chuyện thánh hóa và việc tái hiện những nhân vật trên màn ảnh không vi phạm điều đó. Nó còn giúp tạo ra những cuộc thảo luận về các nhân vật, vai trò lịch sử và tôn giáo của họ… giúp tăng thêm hiểu biết”, Sanaa Hashem, giáo sư ở Viện điện ảnh Cairo, nói. Omar Ibn al-Khattab là Caliph Hồi giáo thứ hai và là một trong 10 đồng đạo thân cận của nhà tiên tri Mohammed./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục