Giải pháp kỹ thuật hỗ trợ xử lý vấn đề "vàng hóa"

Để giải quyết vấn đề "vàng hóa" trong nền kinh tế cần phải có thêm nhiều giải pháp kỹ thuật như: Chứng khoán phái sinh vàng, quỹ hoán đổi vàng-ETF
Kể từ 10/1, Nghị định 24/CP của Chính phủ, về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó 70% cửa hàng kinh doanh vàng miếng trên thị trường chính thức bị xóa sổ.

Tuy nhiên, để quản lý hoạt động kinh doanh vàng không thể chỉ dựa vào giải pháp hành chính mà cần phải kết hợp với hệ thống quản lý mang tính kỹ thuật. Về vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC).

 - Thưa ông, tính chất tiền tệ của vàng miếng ở Việt Nam còn khá mạnh, do đó trên thị trường đã xảy ra hiện tượng người dân sử dụng vàng miếng thay thế tiền đồng trong lưu thông. Để hạn chế tình trạng này ngoài biện pháp hành chính thì cần phải có những giải pháp kỹ thuật nào?

TSKH Nguyễn Thành Long: Việc tồn tại thị trường vàng là vấn đề khách quan, đây cũng là thực tế trên thế giới.

Trong bối cảnh bất ổn và rủi ro có xu hướng gia tăng, cùng với tốc độ lưu chuyển tiền tệ ngoài ngân hàng đang diễn ra rất nhanh, cộng với sự tính vi, phức tạp của các sản phẩm đầu tư đi kèm với các rủi ro tiềm ẩn và  khó lường, vai trò của vàng với tư cách là công cụ tiền tệ, công cụ đầu tư đã phát triển mạnh mẽ không chỉ tại Việt nam mà ở các các quốc gia khác.

Đối với nước ta, hoạt động mua, bán vàng còn là tập quán, có tính lịch sử, văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, thu nhập và mức tiết kiệm toàn xã hội chưa cao trong khi nhu cầu về vốn cho đầu tư là rất lớn và luôn trong trạng thái thiếu hụt. Vì vậy, một lượng vốn lớn của dân cư hiện tồn đọng trong vàng vật chất gây ra nhiều hệ quả tiêu cực.

Do vậy, có thể cần xây dựng bổ sung khuôn khổ pháp lý đặt nền móng hình thành một thị trường vàng có sự quản lý với các sản phẩm thị trường với hai điểm nhấn.

Thứ nhất, Nhà nước thực hiện vai trò quản lý vàng vật chất với tính chất của công cụ tiền tệ. Quản lý và phát triển thị trường vàng nên bằng các công cụ, chính sách theo nguyên tắc thị trường.

Thứ hai, phát triển các sản phẩm đầu tư dựa trên vàng, thay thế vàng vật chất, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được tham gia đầu tư, kinh doanh từ biến động giá vàng mà không nhất thiết phải nắm giữ vàng vật chất.

Qua đó, nhà nước sẽ có đủ công cụ mà không phải thông qua quyết định hành chính để quản lý và đảm bảo giá vàng liên thông với thị trường quốc tế.

 - Bên cạnh Ngân hàng Nhà nước, vai trò của Bộ tài chính trong việc xây dựng những quy định pháp lý tạo cơ chế cho ra đời các sản phẩm chứng khoán dựa trên vàng vật chất, nhằm hiện thực hóa nguyên tắc thứ hai của thị trường vàng như thế nào?

TSKH Nguyễn Thành Long: Trong hoạt động đầu tư kinh doanh có gắn tới vàng, có hai sản phẩm điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về chứng khoán, đó là chứng khoán phái sinh vàng, đặc biệt là hợp đồng tương lai vàng và quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng).

Cả hai sản phẩm này đều rất phổ biến trên thế giới và cạnh tranh trực tiếp với việc sở hữu và nắm giữ vàng vật chất. Trước mắt, việc triển khai sản phẩm ETF vàng là khả thi trên cơ sở các quy định pháp luật hiện tại.

Cụ thể, Quỹ ETF vàng được hình thành từ việc huy động vàng vật chất từ nhà đầu tư (khu vực dân cư) hoặc các thành viên thành lập quỹ, sáng lập viên của quỹ và nhận lại chứng chỉ quỹ. Bản chất đây là việc chứng khoán hóa vàng vật chất. Nguyên tắc, người sở hữu các chứng chỉ quỹ ETF vàng vẫn có quyền hoán đổi sang vàng vật chất khi cần thiết.

Quỹ ETF vàng là một loại hình quỹ mở, có danh mục đầu tư chủ yếu là vàng nguyên liệu, chứng chỉ quỹ này được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán.

Trong đó, thành viên lập quỹ là các công ty chứng khoán. Các tổ chức này cung cấp dịch vụ môi giới trong giao dịch hoán đổi vàng từ nhà đầu tư lấy các chứng chỉ quỹ ETF và ngược lại. Các tổ chức này cũng được thực hiện nghiệp vụ tự doanh (trực tiếp mua vàng miếng để hoán đổi lấy các lô chứng chỉ quỹ ETF hoặc ngược lại).

Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ giám sát thực hiện chức năng lưu kho vàng huy động từ nhà đầu tư đồng thời quản lý quỹ, phát hành và thu hồi chứng chỉ quỹ theo chỉ thị của công ty quản lý quỹ.

 - Ông có thể cho biết, ưu thế từ việc cho phép hình thành và hoạt động của các quỹ hoán đổi danh mục vàng?

TSKH Nguyễn Thành Long: Các quỹ hoán đổi danh mục vàng sẽ huy động được vàng vật chất từ khu vực dân cư để quản lý tập trung tại hệ thống ngân hàng. Việc quản lý tập trung mới sẽ bảo đảm vàng là công cụ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Tập quán nắm giữ vàng miếng trong dân cũng được thay đổi, hạn chế dần việc sử dụng vàng như một công cụ tiết kiệm và thanh toán, góp phần cải thiện hiệu quả chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế cũng được thu hẹp. Tính minh bạch của quỹ ETF và đặc tính chứng chỉ quỹ ETF vàng niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán sẽ tránh được tình trạng thao túng giá vàng trên thị trường nội địa.

Theo đó sẽ thiết lập được thị trường vàng với các sản phẩm theo thông lệ quốc tế, chuyển quan hệ cho vay sang quan hệ mua bán vàng (chứng khoán hóa), minh bạch và kết nối được với thị trường quốc tế.

Cuối cùng, sản phẩm phái sinh này sẽ tiết giảm chi phí xã hội, đặc biệt là khi loại bỏ hình thức sản xuất thủ công, dập vàng miếng để bán và sau đó lại tái sản xuất để xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục