Món gan ngỗng nổi tiếng của nước Pháp bị phản đối

Món gan ngỗng đang bị các nhà hoạt động bảo vệ động vật phản đối vì họ cho rằng ngỗng đã bị đối xử tàn tệ trong quy trình vỗ béo.
Món gan ngỗng, một trong những đặc sản nổi tiếng nhất đồng thời là biểu tượng của ẩm thực Pháp, đang bị các nhà hoạt động bảo vệ động vật phản đối vì họ cho rằng những chú ngỗng đã bị đối xử tàn tệ trong quy trình vỗ béo của các nhà sản xuất.

Trong nhiều tuần qua, các nhà hoạt động đã tổ chức diễu hành bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Paris (Pháp) để ủng hộ lệnh cấm mới được ban hành ở bang California.

Theo lệnh cấm, Hội bảo vệ quyền lợi động vật L214 đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm bán những sản phẩm từ gan ngỗng béo được làm từ những chú vịt hay ngỗng bị ép ăn ngũ cốc - có hiệu lực từ ngày 1/7 tại bang lớn nhất nước Mỹ.

Johanne Mielcarek - người phát ngôn cho đại diện của các nhà hoạt động này, trong trang phục mang hình dáng một con vịt khổng lồ, cho biết: “Chúng tôi muốn nói hoan hô California, và thật đáng xấu hổ cho nước Pháp, và cảm ơn vì những chú vịt đã được tha. Vịt được bảo vệ tại California, bởi vậy những chú vịt Pháp tội nghiệp của chúng tôi đã tới để yêu cầu xin tị nạn một cách biểu tượng."

“Chúng tôi muốn thể hiện rằng tại Pháp, mọi người cũng chống lại việc nhồi thức ăn đối với vịt,” cô cho biết khi trích dẫn một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy 63,2% người Pháp cho rằng điều này có hại và 43,9% muốn nó hoàn toàn bị cấm.

Các nhà chăn nuôi Pháp nói rằng lệnh cấm này thực ra xuất phát từ sự hiểu lầm về quá trình nhồi thức ăn, mà họ nhấn mạnh rằng đó không phải là một tội ác.

Họ cho rằng việc ép ăn - thông qua một ống đưa vào cổ họng của vịt hay ngỗng, là mô phỏng theo quá trình tích trữ thực phẩm một cách tự nhiên trước khi di cư, và nó chỉ được thực hiện trong một vài ngày trước khi chúng bị giết thịt.

Đại diện cho ngành công nghiệp gan ngỗng của Pháp (CIFOG) cho rằng lệnh cấm của bang California đã vi phạm luật thương mại quốc tế và đang vận động chính phủ Pháp hỗ trợ cho vụ này.

L214 nói rằng 34 triệu con ngỗng được nuôi để sử dụng cho việc sản xuất gan ngỗng béo tại Pháp mỗi năm, và phần lớn chúng được nuôi trong các trang trại công nghiệp, 1 triệu con chết vì nhiễm trùng và tổn thương từ các lá gan bị nhồi nhét của chúng.

Mielcarek nói: “Ép ăn thực sự là một trong những cách thức có hại nhất đối với động vật. Và chính xác là bởi vì gan ngỗng béo là biểu tượng của nước Pháp nên chúng ta cần chống lại hành vi này"./.

S.N (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục