Kết nối trái tim Việt

Kết nối những trái tim trẻ mang dòng máu Việt

Dự trại hè tại Việt Nam, 150 thanh thiếu niên kiều bào đã chứng tỏ tình yêu quê hương giống mạch ngầm âm thầm chảy mãi.
Chỉ trong một thời gian ngắn tham dự “Trại hè Việt Nam 2010,” 150 thanh thiếu niên kiều bào đã gắn kết thành một khối, với trái tim luôn hướng về nơi mà họ gọi bằng hai tiếng “quê hương.”

Là người Việt, nói tiếng Việt

Ngày đầu tiên trở về Việt Nam tham dự trại hè, nhiều bạn đã không khỏi bỡ ngỡ, e dè khi phải sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ chủ yếu trong giao tiếp; nhất là khi phải tập hát một số ca khúc trong những buổi giao lưu, sinh hoạt tập thể.

Song, với sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè bằng nhiều cách khác nhau, tiếng Việt dần dần không còn là trở ngại lớn để những thanh thiếu niên người Việt ở 30 quốc gia trên thế giới giao lưu cùng thanh thiếu niên trong nước.

Ấn tượng nhất là nội quy của nhóm bạn sinh sống tại Liên bang Nga: "Là người Việt Nam khi ở trên đất nước mình thì phải nói tiếng Việt. Nếu bất cứ thành viên nào trong nhóm sử dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp đều bị phạt theo quy định của nhóm."

Có lẽ nhờ thế mà những bạn sinh ra và lớn lên tại Nga đã sử dụng tiếng Việt thường xuyên trong suốt thời gian trại hè, chứ không phải là tiếng Nga, tiếng Anh như những ngày đầu.

Hay như Choungk Antigoni Athina - đại biểu duy nhất trở về từ Hy Lạp, dù vốn tiếng Việt còn khiêm tốn nhưng vẫn luôn cố gắng để trò chuyện với mọi người bằng tiếng Việt. Mỗi khi gặp phải những từ khó, Athina đều nhờ mọi người giải thích cặn kẽ và hỏi xem mình dùng từ đó đã đúng chưa.

Với Đức Anh (trở về từ Cộng hòa Séc), bằng giọng tiếng Việt còn chưa tròn vành rõ chữ, bạn chia sẻ dù biết là mình nói tiếng Việt chưa sõi, chắc là nhiều người không hiểu nhưng đã về Việt Nam, bạn vẫn muốn được sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình.

Tự hào về Việt Nam anh hùng

Không chỉ là nơi trau dồi tiếng Việt, “Trại hè Việt Nam 2010” còn là dịp để thanh thiếu niên kiều bào tri ân với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập của dân tộc.

Năm nay, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc là những điểm đoàn đã đặt chân đến.

Ở chính những nơi đó, nước mắt của nhiều bạn đã rơi khi nghe kể về những mất mát, hy sinh của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.

Khi đến dâng hương tại ngã ba Đồng Lộc, có một cô bé cứ đứng lặng bên những ngôi mộ của 10 nữ thanh niên xung phong, ngắm nghía từng bức di ảnh. Đó là Nguyễn Kim Ngân, trở về từ Campuchia.

Bạn Ngân tâm sự khi được nghe kể về sự hy sinh của các cô thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Ngân đã vô cùng xúc động và cảm phục. Các cô ra đi ở độ tuổi còn quá trẻ, chỉ mới mười tám, đôi mươi tức là bằng tuổi của các bạn bây giờ.

Nguyễn Thị Hoàng Anh, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Belarus cũng chia sẻ, đến với các nghĩa trang liệt sỹ, bạn được hiểu nhiều hơn về sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Hoàng Anh tự hào vì mình là công dân của đất nước Việt Nam anh hùng.

Những cảm xúc, những hành động của thanh thiếu niên kiều bào trong các cuộc trò chuyện, giao lưu trong cuộc hành trình về nguồn ấy đã chứng tỏ rằng thế hệ trẻ người Việt Nam sinh sống trên “đất khách quê người” vẫn đang tiếp lửa truyền thống, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của thế hệ cha anh đi trước. Tình yêu và sự gắn bó với quê hương đất nước giống như nguồn mạch ngầm vẫn âm thầm chảy mãi./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục