Bangladesh bắt kẻ kích động phá chùa Phật giáo

Cảnh sát Bangladesh bắt giữ những kẻ kích động làn sóng bạo lực chống lại Phật giáo khiến hơn 20 ngôi chùa bị phá hủy tháng trước.
Cảnh sát Bangladesh ngày 11/10 cho biết họ đã bắt giữ những kẻ kích động chính trong làn sóng bạo lực chống lại Phật giáo khiến hơn 20 ngôi chùa bị phá hủy vào tháng trước. Cảnh sát đã tiến hành câu lưu Abdul Muktadir, một ngươi Hồi giáo 19 tuổi tại thành phố cảng Chittagong, với các cáo buộc người này đã tải về và phát tán những ảnh chống Hồi giáo từ một tài khoản Phật giáo trên Facebook lấy cớ kích động bạo lực tại thị trấn đông nam đất nước Ramu.
[Bangladesh: Người Hồi giáo đốt phá đền Phật giáo]
Muktadir tải các bức ảnh về sau khi một người theo đạo Phật ấn vào nút “like” (thích) trên một trang có tựa đề Insult Allah (sỉ nhục Allah). Các bức hình bao gồm một phụ nữ đã đứng lên trên cuốn kinh Koran và một trang kinh bị vất vào trong bồn cầu nhà vệ sinh, theo lời cảnh sát trưởng địa phương Salim Jahangir. Tối ngày 29/9, Muktadir “đã tải các bức ảnh về máy tính để bàn rồi sau đó cho người dân địa phương xem, gây ra tình trạng bạo lực chống lại cộng đồng đạo Phật trong khu vực,” Jahangir cho biết. Vài giờ sau đó, một đám đông ước tính lên đến 25.000 người theo đạo Hồi đã tập hợp ở Ramu để phản đối. Một số người sau đó tấn công các ngôi chùa và nhà các Phật tử. Theo cảnh sát, hơn 20 ngôi chùa đã bị đốt cháy hoặc phá hoại và các lãnh đạo Phật giáo nói đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất nhắm vào cộng đồng Phật tử nhỏ nhoi ở Bangladesh từ trước tới nay. Cảnh sát cho rằng cuộc tấn công là có tổ chức và đã bắt giữ 300 người. Bộ trưởng nội vụ Mohiuddin Khan Alamgir cáo buộc những phần tử Hồi giáo cực đoan đứng đằng sau vụ việc, nhưng không đưa ra cái tên cụ thể nào.

Phật tử Bangladesh chủ yếu sống tập trung tại các tỉnh đông nam gần biên giới với Myanmar, một nước Phật giáo toàn tòng (Nguồn: AFP)
Những người theo đạo Phật chỉ chiếm không tới 1% trong dân số 153 triệu người của Bangladesh, vốn là một nước theo Hồi giáo. Phật tử chủ yếu sống tập trung tại các tỉnh đông nam gần biên giới với Myanmar, một nước Phật giáo toàn tòng./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục