Đông Nam Á tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế nhận định các nền kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng và sẽ tiếp tục thu hút mạnh nguồn FDI.
Mới đây, cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế nhận định, mặc dù tình hình khó khăn kinh tế tại một số nước phương Tây đã và đang làm tăng rủi ro trong hoạt động đầu tư trực tiếp trên thế giới, song các nền kinh tế châu Á vẫn tăng trưởng và sẽ tiếp tục thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dự kiến, trong giai đoạn từ năm 2012-2014, Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những điểm đến chủ yếu của các nhà đầu tư trên thế giới.

Singapore hiện là quốc gia thu hút FDI lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2011, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào nước này đã tăng 31,6% lên trên 64 tỷ USD, chiếm 54,7% tổng FDI tại ASEAN.

Một số chuyên gia đánh giá Singapore có thế mạnh về mức thuế thấp và hệ thống pháp luật khá hoàn thiện.

Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của Singapore ra nước ngoài cũng được duy trì ở mức tăng trưởng khá cao và tăng 19% lên tới 25,2 tỷ USD trong năm 2011.

Không chỉ Singapore, năm ngoái Indonesia cũng đã thu hút 18,9 tỷ USD FDI, tăng 37,3% so với năm trước đó.

Trong quý 2/2012, Indonesia tiếp tục ghi mức kỷ lục mới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi tăng tới 30% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó phần lớn đổ vào ngành khai khoáng và hóa chất.

Theo các chuyên gia, cùng với sự phục hồi kinh tế cũng như triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô, Inđônêxia có thể sẽ thu hút nhiều FDI hơn so với các nước khác trong khu vực.

Còn ở Malaysia, sau khi gặp khó khăn vào năm 2009, giới chức nước này đã rút ra bài học kinh nghiệm và cải thiện môi trường đầu tư. Trong năm 2010 và 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng trở lại khi đạt 9,1 tỷ và 12 tỷ USD.

Trong lúc đầu tư trực tiếp của Malaysia ra nước ngoài tăng trưởng nhanh chóng và đạt 15 tỷ USD năm 2011. Sang quý I/2012, con số này lên tới 5,5 tỷ USD, tăng 51,3 % so với cùng kỳ năm trước.

Tại Thái Lan, mặc dù thiên tai lũ lụt năm ngoái đã khiến việc thu hút FDI của xứ "chùa Vàng" sụt giảm 1,7%, song các chuyên gia cho rằng nhờ có sự tích lũy về cơ sở kinh tế và mô hình phát triển linh hoạt, Thái Lan vẫn sẽ là một trong những tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Điều đáng chú ý là cùng với việc tiếp tục thực thi chính sách kinh tế mở và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, bốn nước thành viên mới của ASEAN - gồm Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia - cũng sẽ có thành tích nổi bật trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài./.

Trà My (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục