Lo ngại về tăng trưởng nền kinh tế đang phát triển

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao của các nền kinh tế đang phát triển sẽ không bền vững.
Ngày 18/4, các chuyên gia kinh tế Liên hợp quốc và quốc tế đã nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao của các nền kinh tế đang phát triển sẽ không bền vững.

Liên hợp quốc đưa ra số liệu cho thấy tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong các thập kỷ 1980 và 1990 của thế kỷ 20 không cao hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển, nhưng từ đầu thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đến trước khủng hoảng kinh tế năm 2008, sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng giữa 2 khối kinh tế này đã tăng vọt lên tới 5%.

Khoảng cách khác biệt này tiếp tục tăng cao trong và sau khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến năm 2011 do sự trì trệ nghiêm trọng ở các nền kinh tế phát triển. Mặc dù các nền kinh tế đang phát triển rất đa dạng về trình độ phát triển, nhưng tăng trưởng kinh tế cao đã trở thành phổ biến ở tất cả các nền kinh tế này với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với thập kỷ trước đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Liên hợp quốc và quốc tế cũng đưa ra các lý do khiến sự tăng trưởng tốc độ cao này của các nền kinh tế đang phát triển không thể bền vững về trung hạn. Một là các điều kiện kinh tế quốc tế cực kỳ thuận lợi trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang mất dần do những điều chỉnh lớn của các nền kinh tế phát triển. Hai là các nỗ lực nhằm đưa chính sách kinh tế trở lại lề lối cũ, trong đó Mỹ là đầu tàu với thâm hụt ngân sách không ngừng tăng lên sẽ gây bất ổn định nghiêm trọng hệ thống buôn bán và tiền tệ quốc tế.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung tâm Phương Nam ở Geneva (Thụy Sĩ), Yilmaz Akyuz, kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển cải tổ triệt để mô hình phát triển để giữ vững tốc độ tăng trưởng cao suốt 1 thập kỷ qua. Mô hình phát triển mới cần thực sự từ bỏ cả chủ nghĩa thị trường chính thống và chủ nghĩa tự do mới trong các chính sách cơ cấu và kinh tế vĩ mô. Các nền kinh tế châu Á hướng về xuất khẩu cần giảm phụ thuộc vào người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển thông qua mở rộng thị trường trong nước và khu vực. Các nhà xuất khẩu hàng hoá cần giảm phụ thuộc vào dòng vốn và nguồn lợi nhuận hàng hoá, vốn là hai nhân tố quyết định tăng trưởng nhưng thường vượt quá sự kiểm soát quốc gia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục