Thường vụ Quốc hội đánh giá hiệu quả khu kinh tế

Chiều 15/12, UBTVQH Khóa XIII cho ý kiến Báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, phát triển KKT, KKT cửa khẩu.
Chiều 15/12, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã cho ý kiến về kết quả Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Báo cáo kết quả giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Đoàn Giám sát trình bày tại phiên họp cho thấy, đến nay cả nước có 18 khu kinh tế được quy hoạch với tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 730.550ha (trong đó có 3 khu kinh tế ven biển). Đến hết năm 2010, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu kinh tế hơn 11.360 tỷ đồng.

Các khu kinh tế cả nước đã thu hút được tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD và 540.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm nay, các khu kinh tế này sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt gần 800 triệu USD, đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh các lợi ích kinh tế, các khu kinh tế còn tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 28 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích quy hoạch là khoảng 600.000ha. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hạ tầng khu kinh tếcửa khẩu giai đoạn 2004-2010 gần 3.230 tỷ đồng; năm 2011 là 700 tỷ đồng.

Qua giám sát, trong quá trình thực hiện, mô hình tổ chức quản lý khu kinh tế đã bộc lộ một số bất cập như chưa phân định rõ sự gắn kết trong quản lý trực tiếp theo địa giới hành chính với hệ thống chính quyền xã, huyện, sở, ngành trong tỉnh. Sự đan xen về thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, môi trường, lao động, đô thị, an ninh trật tự, an sinh xã hội, hành chính lãnh thổ… đã làm nảy sinh chồng chéo, thiếu rõ ràng, nhất quán từ đó làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý. Đáng chú ‎ý, các khu kinh tế hiện nay giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư còn khá rườm rà, mất nhiều thời gian. Công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Đa số các khu kinh tế cửa khẩu thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, chủ yếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Nhà nước để phát triển hạ tầng. Việc huy động các nguồn vốn khác cũng hạn chế do tư nhân không sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng ít sinh lợi.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn Giám sát và đại diện các cơ quan của Chính phủ làm rõ thêm hiệu quả khai thác, đầu tư cũng như những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, nhất là tại các vùng biên giới.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn Giám sát làm việc thêm với các thành viên Chính phủ để đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn những vấn đề xung quanh khu kinh tế và khu kinh tếcửa khẩu; đồng thời, bổ sung thêm trong báo cáo Giám sát cụ thể những khu kinh tế, khu kinh tếcửa khẩu hiệu quả để phát huy, nhân rộng; làm rõ những đơn vị chưa hiệu quả để tập trung tháo gỡ.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những cố gắng của Đoàn Giám sát đối với một chuyên đề khó và rộng.

Phó Chủ tịch đề nghị Đoàn Giám sát tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh, cập nhật thêm số liệu và nâng tầm của Báo cáo; lưu ý Đoàn Giám sát chú ý đánh giá chi tiết hơn về vốn đầu tư, hiệu quả kinh doanh cũng như mô hình quản lý và đặc biệt là tình hình biên mậu, cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế, khu kinh tếcửa khẩu. Báo cáo cũng cần bổ sung đánh giá tác động của các khu kinh tế, khu kinh tếcửa khẩu đối với công tác đảm bảo an ninh quốc phòng.

Song song với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng và hoàn thiện báo cáo 20 năm xây dựng và hình thành các mô hình khu kinh tế, khu kinh tếcửa khẩu để thống nhất các biện pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của các đơn vị kinh tế quan trọng này.

Sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của hai Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Dự án Luật Giá.

Về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đối với mức trần thời gian của hợp đồng lao động xác định thời hạn, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên giữ như quy định hiện hành là từ 12-36 tháng nhằm hạn chế khả năng người sử dụng lao động lợi dụng, vi phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động đối với nhóm lao động giản đơn, làm việc ở các ngành, nghề yếu thế.

Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, qua thảo luận tại Hội trường (sáng 22/11 vừa qua), còn có hai quan điểm khác nhau là 6 tháng và linh hoạt từ 4-6 tháng. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến thứ hai theo hướng linh hoạt hơn bằng việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng để phù hợp với điều kiện thực tế và các nhóm công việc khác nhau, trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ 4-6 tháng và vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản.

Về tuổi nghỉ hưu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là trong điều kiện hiện nay nên giữ như quy định hiện hành (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); đồng thời bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chí đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý để tùy theo điều kiện cụ thể trong mỗi giai đoạn...

Về Dự án Luật Giá, đối với các quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (điều 15), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lựa chọn mặt hàng áp dụng bình ổn giá là vấn đề an sinh xã hội quan trọng, có tác động trực tiếp đến đông đảo người dân, doanh nghiệp và xã hội. Việc quy định cụ thể sẽ bảo đảm tính minh bạch, ổn định, tạo căn cứ cho điều hành giá cả, giúp doanh nghiệp hạch toán và xây dựng kế hoạch kinh doanh./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục