Olympic VN: Thua đậm không có nghĩa là mất tất

Hy vọng, ông Falko Goetz vẫn còn có đủ thời gian để xây dựng được một đội bóng có đủ sức mạnh đem về cho VN tấm HCV SEA Games.

Giấc mơ Olympic London 2012 của bóng đá Việt Nam đã chấm dứt sau khi đội bóng của huấn luyện viên Phan Thanh Hùng thất thủ tới 1-4 trước Olympic Arập Xêút ngay trên sân Mỹ Đình, trước sự chứng kiến của huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Falko Goetz.

Tỷ số chung cuộc 1-6 hẳn sẽ là gành nặng áp lực đối với tân luấn luyện viên người Đức trong công cuộc “tìm vàng” cho bóng đá Việt Nam ở SEA Games tổ chức vào cuối năm nay.

Thực tế, trận đấu trên sân Mỹ Đình đã ngã ngũ ngay từ phút thứ 10 sau khi mở tỷ số cho đội khách. Bởi nếu muốn đi tiếp, đội chủ nhà sẽ phải ghi thêm bốn bàn mà không được phép để thủng lưới thêm bàn nào nữa.

Chưa đầy 20 phút sau đó, tỷ số được nâng lên 2-0 từ một pha phản công mẫu mực của các cầu thủ Tây Á.

Hai bàn thua đó đã bộc lộ rõ mọi điểm yếu của đội Olympic Việt Nam, đặc biệt trong tổ chức phòng ngự cũng như khả năng duy trì sự cân bằng giữa các tuyến. Yếu tố thể hình, thể lực hạn chế cũng cũng là một vấn đề bởi trong nhiều tình huống, các cầu thủ Việt Nam tỏ rõ sự hụt hơi so với đối phương.

Dù vậy, cũng nên ghi nhận tinh thần thi đấu của các cầu thủ trẻ, bởi sau khi đã nhận hai bàn thua, họ vẫn có thể vùng lên và gỡ được một bàn khá đẹp mắt nhờ công của Văn Thắng. Cầu thủ người Thanh Hóa đã thể hiện được sự bình tĩnh, cũng như quyết đoán khi đảo người qua hậu vệ đối phương rồi đổi chân để đưa bóng vào góc xa khung thành đội khách.

Điểm sáng ấy cũng sẽ là cơ sở để người hâm mộ đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ, với hy vọng từ nay cho tới SEA Games 26, huấn luyện viên Falko Goetz tìm ra được lối chơi phù hợp để xây dựng được một đội hình đủ sức tranh huy chương vàng, danh hiệu vẫn lẩn tránh bóng đá Việt Nam bấy lâu nay.

Tóm lại, việc đội chủ nhà để thua thêm hai bàn nữa trong hiệp hai là một kết cục tất yếu. Song cũng không vì thế mà chúng ta buông xuôi tất cả. Và có lẽ, ông Goetz cũng sẽ chia sẻ tinh thần ấy. Bởi với người Đức thì không bao giờ có câu “kết thúc.”/.

L.H (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục