Các nước phản đối dùng chiến tranh trừng phạt Syria

Tổng thống Iran Rouhani cho rằng hành động quân sự nhằm vào Syria "gây bất lợi cho toàn khu vực và các nước đồng minh của Mỹ."
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 4/9 đã mạnh mẽ lên án cuộc tấn công có khả năng diễn ra của Mỹ, cho rằng hành động quân sự nhằm vào Syria "gây bất lợi cho toàn khu vực và các nước đồng minh của Mỹ."

Ông Rouhani nhấn mạnh rằng Tehran sẽ tiếp tục gửi hàng cứu trợ nhân đạo và viện trợ cho người dân Syria.

Cũng trong ngày 4/9, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran dẫn lời Trung tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Al-Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), khẳng định nước này sẽ sát cánh cùng Syria cho tới khi nào giành được chiến thắng trước kẻ thù xâm lược.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Chuyên gia, ông Soleimani nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ ủng hộ Syria đến cùng," đồng thời cho biết 95% phiến quân Syria là người nước ngoài, còn lại là các binh sỹ Syria đào tẩu và các chiến binh theo dòng Hồi giáo Salafi. Tướng Qassem Soleimani cũng cho biết Qatar đã chi 12 tỷ USD cho các nhóm nổi dậy nhằm đảo ngược xu hướng đang có lợi cho Chính phủ Syria.

[Nga: "Tấn công Syria sẽ gây ra hậu quả thảm khốc"]

Trong một diễn biến liên quan, các nghị sỹ Iran đã ra tuyên bố ủng hộ mặt trận kháng chiến tại Syria, đồng thời tuyên bố sẵn sàng sát cánh cùng người dân quốc gia Trung Đông này chống lại "mọi kẻ thù xâm lược." Tuyên bố có chữ ký của 170 nghị sỹ cũng cảnh báo Mỹ và Israel rằng cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria sẽ báo trước sự sụp đổ của hệ thống "độc tài và tàn bạo của các cường quốc kiêu ngạo."

Cùng ngày, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki lên tiếng phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của Syria và cho rằng bất kỳ hành động quân sự nhằm vào quốc gia láng giềng này sẽ kéo theo nguy cơ bất ổn cho cả khu vực. Trong một tuyên bố, ông al-Maliki hối thúc các nước Ả rập không cho phép các nước sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công Syria hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

Người đứng đầu Chính phủ Iraq kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Syria, ngăn chặn các nguồn tài trợ và việc vũ trang cho tất cả các bên, rút lui tất cả các chiến binh nước ngoài ra khỏi Syria.

Thủ tướng Nouri al-Maliki cũng kêu gọi thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ những người tị nạn hồi hương, tái thiết Syria đồng thời vạch ra thời gian biểu cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Chính phủ Syria và phe đối lập dưới sự giám sát của các nước Arab và cộng đồng quốc tế, nhằm vạch lộ trình cho các cuộc bầu cử tự do và chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Tại Beirut, Tổng thống Lebanon Michel Suleiman cũng lên tiếng phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự vào Syria. Trong một tuyên bố chính thức, Tổng thống Suleiman cho biết ông phản đối mọi kịch bản áp đặt cho Syria, trong đó có kế hoạch quân sự trừng phạt chính quyền Damascus. Ngoài ra, ông Suleiman cũng kêu gọi các chính trị gia Lebanon không để nước này bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng tại Syria.

Chính phủ Malaysia ngày 4/9 tuyên bố phản đối bất kỳ cuộc tấn công quân sự chống lại Syria của Mỹ và các nước đồng minh.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho rằng can thiệp quân sự không thể giải quyết vấn đề ở Syria và chỉ gây mất mát cho người dân vô tội. Bình luận về kế hoạch của Mỹ về việc khởi động cuộc tấn công quân sự đối với Syria, ông Anifah cho rằng đối thoại chính trị là giải pháp tốt nhất cho quốc gia Trung Đông này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục