Chứng khoán châu Âu và Mỹ diễn biến trái chiều

Phố Wall giảm điểm sâu trong phiên giao dịch ngày 10/7 trong khi các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu lại bất ngờ đảo chiều đi lên.
Sự khởi đầu lạc quan của mùa công bố lợi nhuận quý 2/2012, cùng với thỏa thuận mới đạt được của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn không đủ để giúp Phố Wall thoát khỏi đà giảm điểm sâu trong phiên giao dịch ngày 10/7.

Nguyên nhân do giới đầu tư còn tỏ ra bất an trước những số liệu đáng thất vọng mới đây của kinh tế Trung Quốc, sự “lao dốc” của đồng euro, cũng như một loạt cảnh báo về lợi nhuận yếu kém của các doanh nghiệp Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 83,17 điểm, tương đương 0,65%, xuống 12.653,12 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 10,99 điểm (0,81%), xuống còn 1.341,47 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq mất tới 29,44 điểm (1%), đóng cửa ở mức 2.902,33 điểm.

Liên đoàn doanh nghiệp độc lập quốc gia Mỹ (NFIB) vừa công bố báo cáo cho hay chỉ số lạc quan của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đã sụt giảm đáng kể trong tháng 6/2012, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011.

NFIB nhấn mạnh bất ổn chính trị tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn tới sự dè dặt trong việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ tại nước này.

Bên cạnh đó, nhiều công ty Mỹ cũng cảnh báo rằng, tăng trưởng yếu kém hiện nay của nền kinh tế thế giới có thể sẽ tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của họ và khiến lợi nhuận giảm sút trong quý 2 năm nay.

Thông tin này đã đè nặng thị trường cổ phiếu Phố Wall trong suốt phiên giao dịch, bất chấp việc các bộ trưởng tài chính Eurozone vừa nhất trí dành cho Tây Ban Nha khoản cứu trợ đầu tiên trị giá 30 tỷ euro (37 tỷ USD) nhằm cứu nguy cho các ngân hàng đang khốn đốn về tài chính của Madrid, đồng thời đồng ý gia hạn thêm 1 năm để Chính phủ Tây Ban Nha có thể đưa thâm hụt ngân sách về mức giới hạn mà Liên minh châu Âu đã đề ra là 3%.

Chứng khoán Mỹ còn chịu áp lực đi xuống bởi sự suy yếu của đ ồng euro trong phiên giao dịch 10/7, khi tỷ giá giữa đồng tiền này và đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, do nhà đầu tư lo ngại tòa án Đức có thể ngăn cản Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).

Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble, đã nói với tòa án rằng bất kỳ một sự trì hoãn nào trong việc cung cấp các giải pháp đều có thể gây ra một cơn biến động dữ dội trên các thị trường tài chính.

Việc thông qua ESM sẽ mở đường cho việc sử dụng nguồn tiền hỗ trợ một cách linh hoạt vào giải quyết cơn bão nợ công đang hoành hành tại châu Âu.

Tuy nhiên, trái với xu hướng trên, các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu lại bất ngờ đảo chiều đi lên trong phiên 10/7, sau hai ngày “đỏ sàn” liên tiếp, do giới đầu tư đã phần nào lấy lại được lòng tin về khả năng giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu sau cuộc họp mới nhất của các bộ trưởng Eurozone tại Brussels.

Ngoài ra, việc lãi suất trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha và Italy “hạ nhiệt” cũng góp phần vào sự đi lên của các cổ phiếu “Lục địa già.”

Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,65%, lên 5.664,07 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Pari, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng ghi thêm 0,59% lên 3.175,41 điểm; còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tiến 0,79%, chốt ở mức 6.438,33 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 11/7 tại châu Á, các thị trường cổ phiếu tiếp tục “lún sâu” do những thông tin đáng thất vọng từ kinh tế Trung Quốc- nền kinh tế lớn nhất khu vực, trong khi mối lo ngại về tình hình bất ổn tài chính tại châu Âu vẫn chưa có xu hướng dịu xuống.

Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 38,69 điểm (0,44%), xuống 8.819,04 điểm .

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Thượng Hải cũng lần lượt mất 144,78 điểm (0,75%) và 2,72 điểm (0,14%), xuống còn 19.251,58 điểm và 2.161,72 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục