Mưa đá, lốc xoáy gây thiệt hại gần 60 tỷ đồng

Ngày 21-22/3, mưa đá, lốc xoáy với cường độ mạnh ở Bình Phước đã làm 500ha cây nông nghiệp gãy đổ, ước thiệt hại gần 60 tỷ đồng.
Trong hai ngày 21 và 22/3, những cơn mưa đá kèm lốc xoáy với cường độ mạnh ở một số xã thuộc huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, làm 500ha cao su, điều, càphê bị gãy đổ hàng loạt, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 50-60 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Bảo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Gia Mập cho biết mưa đá kèm lốc xoáy đã tàn phá tan hoang các vườn điều, cao su, càphê của người dân cũng như một số nông trường cao su trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, thiệt hại nặng nhất là các vườn điều đang vào vụ thu hoạch. Một số ngôi nhà của các hộ dân nằm trong vùng tâm lốc cũng bị tốc mái, đổ tường, có căn nhà chỉ còn trơ lại nền.

Từ cuối tháng Hai đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước liên tục xảy ra những trận mưa đá kèm theo lốc xoáy. Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, chỉ trong vòng một tháng, mưa đá và lốc xoáy đã làm sập và tốc mái gần 100 căn nhà; gãy đổ khoảng 1.500ha cây trồng (chủ yếu là cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều) tập trung ở các huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú và Bù Đăng.

Đến thời điểm này, ước tính thiệt hại do lốc xoáy và mưa đá gây ra ở các địa phương trong tỉnh khoảng 150 tỷ đồng, cao gấp 6 lần con số thống kê thiệt hại do lốc xoáy gây ra trong năm 2010.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước đang khẩn trương phòng, chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, đồng thời nhanh chóng thống kê thiệt hại để có biện pháp khắc phục và hỗ trợ người dân; khuyến cáo người dân chủ động phòng chống mưa đá, lốc xoáy, dựng các thiết bị chống đỡ cho nhà, chuồng trại; chống cột hoặc buộc dây cho những vườn cây cao su, điều đang non, dễ gãy; không nên đi ra đường, vào những vườn lô cao su trong thời điểm mưa to, gió lớn.

Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau, một cơn mưa lớn kéo dài từ 5 đến hơn 9 giờ ngày 23/3, góp phần giải hạn cho rừng tràm U Minh hạ, làm giảm áp lực cháy rừng và tưới mát cho những vườn cây ăn trái, hoa màu của nông dân.

Trước khi xuất hiện cơn mưa này, diện tích rừng tràm ở Cà Mau bị khô hạn khá lớn với hơn 19.000ha rừng dự báo cháy cấp II và cấp III; tập trung ở Vườn Quốc gia U Minh hạ, Phân trường Trần Văn Thời, U Minh I, U Minh II và Phân trường 30/4 thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp U Minh hạ.

Cơn mưa lớn kéo dài xuất hiện làm tăng độ ẩm trên lâm phần, bổ sung lượng nước khá lớn cho rừng, lớp thực bì không còn khả năng bắt lửa, lớp than bùn ngấm nước...

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều đơn vị chủ rừng, cơn mưa nói trên đã rửa trôi lớp phèn trên thực bì nên khi nắng trở lại nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và khi cháy với tốc độ nhanh rất khó dập tắt lửa. Vì vậy, các đơn vị chủ rừng không được chủ quan, lơ là với công tác phòng chống cháy rừng, cần chủ động tuần tra, kiểm soát trên lâm phần bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng./.

Tất Thành, Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục