Trước Hội nghị EU: Pháp và Đức thu hẹp bất đồng

Trong cuộc hội đàm ngày 27/6, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đều tỏ ý muốn làm sâu sắc hơn liên minh kinh tế, tiền tệ trong EU.
Ngày 27/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm tại Paris, Pháp với Tổng thống nước chủ nhà Fracois Hollande, song vẫn cảnh báo không từ bỏ lập trường phản đối biến nợ công của các nước thành viên Khu vực đồng euro thành trách nhiệm chung của cả khu vực.

Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia Pháp-Đức là diễn biến mới nhất trong một loạt hoạt động ngoại giao con thoi chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), khai mạc vào tối nay 28/6 tại Brussels, Bỉ.

Các thông báo công bố sau cuộc họp cho thấy hai nhà lãnh đạo đã có thái độ hòa giải, khi ông Hollande tỏ ý sẵn sàng thảo luận sự hội nhập chính trị sâu hơn nữa trong EU, trong khi bà Merkel ca ngợi các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trong Khu vực đồng euro.

Pháp, một số nước thành viên EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thậm chí cả Trung Quốc và Mỹ, muốn các nước thành viên Khu vực đồng euro chia sẻ trách nhiệm pháp lý đối với nợ công của các nước thành viên như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay trong khu vực, nhưng Đức khăng khăng đề nghị EU trước hết phải hội nhập sâu hơn nữa.

Ông Hollande nói rõ cả hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đều muốn làm sâu sắc hơn liên minh kinh tế, tiền tệ và trong tương lai có thể là chính trị trong EU vì mục đích hội nhập và đoàn kết.

Ông khẳng định Khu vực đồng euro cần hội nhập "hết mức cần thiết" và đoàn kết "càng nhiều càng tốt".

Thừa nhận EU đạt nhiều tiến bộ liên quan đến Hiệp ước tăng trưởng, hàm ý kế hoạch đầu tư 130 tỷ euro (162 tỷ USD) để "kích hoạt" lại đà tăng trưởng kinh tế trong Khu vực đồng euro, bà Merkel khẳng định EU cần thể hiện bản sắc châu Âu nhiều hơn, cần trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả đáp ứng mong đợi của thị trường và cần trở thành một thể chế mà ở đó mọi thành viên có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Theo các nhà quan sát, mặc dù trọng tâm hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới là hợp nhất các hiệp ước hiện hành thành "Hiệp ước tăng trưởng", song các nhà lãnh đạo tổ chức này cũng sẽ tìm cách xác định tương lai của Khu vực đồng euro trong thập kỷ tới, tìm kiếm sự hợp nhất chặt chẽ hơn trong khu vực dưới hình thức một liên minh ngân hàng và trao cho EU quyền kiểm soát các khu vực tài chính và ngân sách của các nước thành viên.

Tuy nhiên, khả năng EU đạt được các mục tiêu này còn xa vời, đòi hỏi nỗ lực của mọi thành viên EU.

Trên thực tế, phát biểu trên của ông Hollande cho thấy Paris không sẵn sàng chấp nhận ngay lập tức sự hội nhập chính trị sâu hơn trong EU. Trong khi đó, bà Merkel trước hội đàm đã tuyên bố bác bỏ đề xuất chính của Pháp về phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro, khẳng định các công cụ chung của Khu vực đồng euro - như trái phiếu, hóa đơn thanh toán và kế hoạch chuộc nợ - không phù hợp với Hiến pháp của Đức, sai lầm và phản tác dụng về kinh tế.

Tại Hà Lan, Thủ tướng nước này Mark Rutte đã cảnh báo một liên minh ngân hàng thực sự chỉ có thể ra đời sau một giai đoạn có sự giám sát chung.

Cũng theo các nhà quan sát, dù lựa chọn con đường nào, lãnh đạo EU vẫn đang đứng trước thực tế nghiệt ngã là Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy vừa tuyên bố nước này không còn trụ nổi với mức lãi suất hơn 6,8% hiện nay đối với trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm, ngưỡng lãi suất buộc Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland phải xin cứu trợ vỡ nợ.

Ông Rajoy cũng cho biết nhiều thể chế và thực thể tài chính Tây Ban Nha không còn khả năng tiếp cận thị trường và vấn đề lãi suất cao không chỉ đe dọa Tây Ban Nha, mà cả Italy và một số nước EU khác.

Cùng ngày, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro tuyên bố sẵn sàng phối hợp với IMF để cứu trợ Cộng hòa Síp đang gặp khó khăn về tài chính.

Thông báo sau hội nghị qua điện thoại của các quan chức tài chính Khu vực đồng euro cho biết nhóm này thừa nhận một chương trình điều chỉnh "dường như đã được đảm bảo tại giai đoạn hiện nay, đồng thời sẽ xem xét cách phản ứng theo hướng có lợi cho chương trình này."

Nhóm các bộ trưởng hoan nghênh CH Síp xin hỗ trợ từ IMF. Sắp tới, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), giới chức Síp và IMF sẽ thống nhất lượng tiền Cộng hòa Síp cần được hỗ trợ và những cải cách nước này cần thực hiện để chấn chỉnh lại khu vực tài chính.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết đã nhận được đề nghị xin hỗ trợ từ Cộng hòa Síp. Bà khẳng định IMF sẵn sàng cùng các đối tác EU giúp Cộng hòa Síp trở lại trạng thái tăng trưởng kinh tế ổn định, lâu bền và khôi phục hoạt động cho khu vực tài chính.

Ngày 25/6, Cộng hòa Síp đã trở thành thành viên thứ 5 trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xin cứu trợ từ phía các đối tác trong khu vực nhằm giúp vực dậy hệ thống ngân hàng nước này đang rơi vào tình trạng khốn đốn, do khu vực tài chính của Síp hoạt động yếu kém và do tác động lớn từ nền kinh tế Hy Lạp vốn cũng đang đứng trước nguy cơ tan vỡ.

Các ngân hàng của đảo Síp nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ của Hy Lạp./.

Tin cùng chuyên mục