Tìm các giải pháp để chống sai phạm trên báo chí

Hành vi thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực báo chí, với 33% trong 7 tháng năm 2011.
Trong hai ngày 24 và 25/8, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Bộ Thông tin-Truyền thông đã tổ chức hội thảo chống sai phạm trên báo chí.

Tại hội thảo, Cục Báo chí nêu rõ các loại sai phạm về thông tin hay gặp trên báo chí thời gian qua tập trung vào việc đưa thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia và nhân dân; thông tin thể hiện nhận thức chính trị sai lệch, thông tin không xác minh, sai sự thật... hay những thông tin xâm phạm đời tư và xúc phạm danh dự nhân phẩm của công dân.

Bên cạnh đó, việc thông tin về nhiều vụ việc, vụ án đang điều tra thiếu cẩn trọng, đưa tin không chính xác, mang tính quy chụp, không chứng minh được nguồn tin.

Việc đặt sai tít bài, thông tin sai sự thật về các vấn đề xã hội và thông tin sai tên, chức danh nhân vật và địa danh cũng dẫn đến những hệ lụy cho xã hội...

Để khắc phục những lỗi trên, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp chống sai phạm trên báo chí. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quy định về hoạt động của cơ quan báo chí, nhà báo; tăng cường vai trò kiểm soát, định hướng thông tin của các cơ quan quản lý báo chí; tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, đồng thời phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo khi tham gia tác nghiệp...

Thời gian qua, hoạt động báo chí trong nước đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thể hiện vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội và diễn đàn của nhân dân.

Tính đến tháng 3/2011, cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm báo in; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương; 46 báo điện tử, tạp chí điện tử; 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng nghìn trang tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp.

Với khối lượng thông tin được truyền tải lớn, cập nhật hàng ngày, hàng giờ, nội dung đề cập đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, nên có một số nội dung thông tin đưa trên báo chí thiếu chính xác là khó tránh khỏi.

Trong 2 năm 2009 và 2010, Cục Báo chí, Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã xử lý, tham mưu cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý kịp thời, nghiêm minh 82 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 470 triệu đồng.

Qua số liệu xử lý vi phạm cho thấy, hành vi thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số vụ vi phạm, năm 2009 là 22,5%, năm 2010 là 24% và trong 7 tháng năm 2011 là 33%./.

Nguyễn Đức Thọ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục