Việt Nam đạt được tiến bộ về phát triển con người

Theo báo cáo LHQ, Việt Nam đạt tiến bộ về phát triển con người nhờ tăng trưởng kinh tế song cần chú trọng đến y tế và giáo dục.
Ngày 9/11, tại Hà Nội, Báo cáo Phát triển con người (NHDR) của Việt Nam năm 2011 đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức công bố, với chủ đề “Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người.”

Theo đó, Việt Nam đạt được tiến bộ về phát triển con người nhờ tăng trưởng kinh tế song cần chú trọng đến y tế và giáo dục.

Báo cáo Phát triển con người Việt Nam năm 2011 được hoàn thành trong khuôn khổ Dự án của Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc giai đoạn 2008-2011.

Phát biểu trong buổi giới thiệu Báo cáo, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết báo cáo phát triển toàn cầu năm nay cho thấy giá trị Chỉ số phát triển con người Việt Nam năm 2011 là tương tự như năm ngoái. Việt Nam đứng trong nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình và xếp thứ 128 trong 187 nước được khảo sát.

Bà Setsuko Yamazaki nhấn mạnh cùng với tình trạng kinh tế và nguồn gốc dân tộc, sự khác biệt về địa lý và khu vực cũng là những yếu tố quan trọng nhất gây nên bất bình đẳng ở Việt Nam. Tất cả các yếu tố này đang cản trở Việt Nam tiến lên mức phát triển con người cao hơn.

Báo cáo này có thể cung cấp thêm dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn trong lĩnh vực xã hội, ở cả cấp quốc gia và địa phương, để có thể tối đa hóa tiềm năng phát triển con người của Việt Nam.

Ba chỉ số tổng hợp chính được sử dụng làm cơ sở phân tích trong báo cáo gồm Chỉ số Phát triển con người (HDI), Chỉ số Phát triển giới (GDI) và Chỉ số Nghèo đói ở con người (HPI). Đồng thời, báo cáo cũng đã đưa ra một phương pháp đo lường nghèo đói và thiếu hụt phi tiền tệ là Chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) nhằm xem xét những thay đổi về khía cạnh thu nhập, tuổi thọ, giáo dục và mức sống trong phát triển con người ở cấp địa phương trong giai đoạn 1999-2008.

Theo báo cáo này, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng 11,8%. Trong đó, tăng trưởng về thu nhập đóng góp hơn một nửa (55,7%) trong mức tăng chỉ số này, trong khi những cải thiện về tuổi thọ và giáo dục chỉ góp phần tương ứng là 31,8% và 12,6%.

Liên quan tới Chỉ số Phát triển giới (GDI)  đo lường bất bình đẳng về giới, trong khi khoảng cách về giới nói chung đang dần được thu hẹp, thì một số tỉnh nghèo hơn lại có sự chênh lệch về giới trong giáo dục tăng lên. Các tỉnh có khoảng cách giới lớn nhấp trong thu nhập là các tỉnh giàu hơn ở miền Nam.

Đặc biệt, Báo cáo đưa ra chỉ số mới là Chỉ số đói nghèo đa chiều (MPI) cho Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chỉ số đói nghèo phi tiền tệ cấp quốc gia được xây dựng riêng cho Việt Nam. Theo thước đo này, số người nghèo đa chiều ở Việt Nam nhiều hơn hẳn số người nghèo về thu nhập. Năm 2008, tỷ lệ nghèo về thu nhập là 14,5% trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều là 23,3%.

Báo cáo năm 2011 xem xét tiến độ phát triển con người ở tất cả các vùng của Việt Nam. Báo cáo đã phát hiện những khác biệt đáng kể về mức độ phát triển con người.

Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có mức phát triển con người tương đương với Trung Quốc, Jorrdan và Belize. Các tỉnh nghèo như Lai Châu và Hà Giang có mức độ phát triển con người tương đương với Papua New Guinea và Swaziland.

Báo cáo năm 2011 cũng xem xét mối tương quan giữa quản trị công và mức độ phát triển con người, sử dụng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Việt Nam, một chỉ số đo trải nghiệm của người dân khi tiếp xúc với chính quyền địa phương. Các tỉnh có chỉ số phát triển con người tương đối cao cũng chính là những tỉnh có điểm chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tốt, đặc biệt là về cung cấp dịch vụ công.

Báo cáo nghiên cứu chi tiết về dịch vụ y tế và giáo dục, cũng như cung cấp tài chính cho các dịch vụ này, do tầm quan trọng của các dịch vụ này trong phát triển con người; cho thấy phần lớn chi tiêu cho y tế và giáo dục là từ các hộ gia đình. Mức chi tiêu này cao hơn rất nhiều so với mức 30% được coi là tối ưu để đảm bảo công bằng xã hội và tiếp tục phát triển con người.

Chi tiêu hộ gia đình chiếm 56% tổng chi tiêu cho y tế. Điều này gây tác động rất lớn đối với các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương. 8,1% số hộ gia đình dành hơn 20% tổng chi tiêu cho y tế trong năm 2008 và 3,7% số hộ bị quay trở lại tình trạng nghèo đói do phải chi quá nhiều cho chăm sóc sức khỏe.

Các tác giả của báo cáo cũng cho rằng cần phân phối gánh nặng chi trả cho các dịch vụ xã hội một cách công bằng hơn. Về vấn đề này, các tác giả khuyến nghị Chính phủ cần xem xét lại “chính sách xã hội hóa” hiện nay và tác động của nó đối với chi tiêu của hộ gia đình cho y tế và giáo dục.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đã đưa ra những thách thức mà nhiều người Việt Nam đang phải đối mặt trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và đưa ra khuyến cáo về những định hướng chính sách./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục