Xử phạt chứng khoán: Chỉ dọa được nhà đầu tư nhỏ

SSC đã tăng cường giám sát các vi phạm hành chính song với mức xử phạt như hiện nay chỉ “dọa được mèo nhỏ mà bỏ qua hổ lớn”.
Trong năm qua, mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên trên thực tế các hành vi vi phạm vẫn ngày càng phức tạp và gia tăng.

Theo các thành viên trên thị trường thì mức xử phạt hiện nay chỉ “dọa được mèo nhỏ mà bỏ qua hổ lớn.”

Đua… vi phạm hành chính

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có dấu hiệu tăng dần trong quý 3/2012. Nếu như cả tháng Tám chỉ có 9 trường hợp bị xử phạt thì trong tháng Chín số trường hợp bị phạt tăng gấp rưỡi với 16 trường hợp. Chỉ riêng ba ngày đầu tiên của tháng Mười này đã có 5 trường hợp vi phạm bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "tuýt còi."

Đáng chú ý là hoạt động vi phạm công bố thông tin từ phía các công ty chứng khoán với những lỗi vi phạm “quên” tuân thủ các quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, trong tháng Mười có hai đơn vị bị xử phạt là Công ty Chứng khoán Mê Kông với những vi phạm tạo thành hệ thống, nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 và Quý I/2012 không đúng thời hạn đồng thời sau khi bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt vào ngày 23/4/2012, Công ty không tuân thủ đúng nghĩa vụ nộp báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng hàng ngày cho Ủy ban. Thêm vào đó, Chứng khoán Mê Kông cũng chưa đáp ứng đủ số lượng người hành nghề chứng khoán cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh.

Công ty Chứng khoán Công nghiệp Việt Nam cũng mắc lỗi tương tự khi vi phạm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 và Quý I/2012 không đúng thời hạn.

Trong hai tháng Tám và Chín có 7 công ty chứng khoán bị Ủy ban chứng khoán bị xử phạt vì các lỗi trên, gồm Công ty Chứng khoán An Thành, Công ty chứng khoán Phương Nam Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam , Công ty Chứng khoán ACB, Công ty Chứng khoán Đại Nam, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty Cổ phần Chứng khoán VSM.

Việc các công ty chứng khoán "quên" công bố thông tin và chấp nhận các hình thức xử phạt từ Ủy ban chứng khoán trở nên khá quen thuộc trên thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà đầu tại Hà Nội đưa ra ý kiến, công ty chứng khoán là thành viên của các Sở giao dịch chứng khoán và chịu sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đáng nhẽ họ phải tuân thủ các quy định trên thị trường tốt hơn các công ty niêm yết khác, song trên thực tế họ cũng vi phạm Luật Chứng khoán khá thường xuyên.

“Tình trạng vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán diễn ra phổ biến đến mức những nhà đầu tư như tôi đã ‘nhờn’ với những thông tin đó, do vậy muốn tồn tại trên thị trường thì cách duy nhất là phải sống chung với nó”, ông Tuấn nói.

Một vấn nạn khác cũng làm nao núng các nhà đầu tư đó là hiện tượng trên một mã chứng khoán có hàng loạt tổ chức, cá nhân cùng “rủ nhau” vi phạm  lỗi công bố thông tin về giao dịch.

Điển hình là tại mã STB, trong thời gian gần đây Ủy ban Chứng khoán đã có quyết định xử phạt liên tục tới tám thành viên thị trường với lỗi giao dịch “chui” mã cổ phiếu này.

“Nhờn luật”

Theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP, với một loạt lỗi vi phạm của Công ty Chứng khoán Mê Kông ở trên cũng chỉ bị SSC xử phạt bằng tài chính số tiền là 40 triệu đồng và Công ty Chứng khoán Công nghiệp Việt Nam có số tiền phạt là 30 triệu đồng.

Các mức xử phạt thấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tổ chức trên thị trường sẵn sàng bỏ ra một “chi phí” xử phạt để có thể thu về những lợi ích lớn hơn. Do đó, SSC đã dùng tới biện pháp mạnh tay hơn là yêu cầu các công ty bị xử phạt phải báo cáo kết quả xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính tới Ủy ban đồng thời báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất về các thiếu sót, sai phạm của cá nhân đó.

Nhưng xem ra biện pháp trên cũng không ăn thua, bởi hàng tháng giới đầu tư vẫn liên tục được đón nhận các thông tin xử phạt của SSC trên thị trường.

Thêm vào đó là mức xử phạt đánh đồng chung cho lỗi phạm hành chính, như hành vi giao dịch “chui chứng khoán” đều bị mức xử phạt như nhau là 40 triệu đồng.

Như, ông Nguyễn Minh Tâm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín bán 4.000 cổ phiếu STB mà “quên” không báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) từ ngày 23/7/2012 đến 30/7/2012.

Được biết cổ phiếu STB trong khoảng thời gian này được giao dịch ở mức giá bình quân khoảng 23.000 đồng trên cổ phiếu, như vậy tổng giá trị 4 nghìn cổ phiếu STB bán được chỉ xung quan mức giá trị 90 triệu đồng và với mức xử phạt như trên thì thoáng qua có thể thấy “nghiêm khắc” chấn chỉnh những hành vi vi phạm báo cáo thông tin trên thị trường.

Song trước đó, một số đại gia và tổ chức bị phạt vì "dính” đến chứng khoán STB với các mức độ giao dịch chứng khoán rất lớn, như ông Trầm Khải Hòa đã mua 540 nghìn cổ phiếu STB. Công ty Chứng khoán Phương Nam bán 2 triệu cổ phiếu STB không báo cáo SSC và cũng chỉ phải chịu mức xử phạt 40 triệu đồng như ông Tâm.

Điều này cho thấy điểm hạn chế trong quy định xử phạt các vi phạm hành chính khi tính răn đe chỉ dọa được "mèo nhỏ" mà bỏ qua "hổ lớn”.

Để giải quyết vấn đề trên, mới đây, SSC đã tổ chức Hội nghị tập huấn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (2/10) nhằm phổ biến kiến thức cũng như giải đáp thắc mắc về các văn bản pháp luật cho doanh nghiệp, qua đó giúp các thành viên tham gia thị trường hiểu rõ hơn các quy định và thực hiện nghiêm túc các văn bản luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đồng thời tránh được các trường hợp doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể dẫn đến quyền lợi của cổ đông bị vi phạm và ngay bản thân doanh nghiệp bị phạt hành chính vì vi phạm công bố thông tin.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ trưởng vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, SSC đã quản lý chặt chẽ hơn trong việc xử lý các vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, do đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư bị xử phạt về vị phạm công bố thông tin ngày càng nhiều hơn và phần lớn các vi phạm này do vi phạm về công bố thông tin.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, để đợi cơ quan chức năng sửa luật thì rất lâu và nhà đầu tư thì luôn cần sự minh bạch và công bằng trên thị trường.

Do vậy ông Hải đề xuất, trước hết đối với các trường hợp cổ đông trong diện giao dịch phải công bố thông tin thì hai sở chứng khoán cũng đã danh sách và biện pháp trước mắt là sử dụng hệ thống phần mềm “khóa” chứng khoán của các cổ đông này lại và chỉ khi nào họ đăng ký giao dịch hệ thống mới cho phép mua, bán trên thị trường.

“Tôi có tham khảo các chuyên gia công nghệ thông tin, công việc trên có thế thực hiện được và nó cũng gần giống như việc khoán ‘room’ của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam,” ông Hải nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục