Dừng huy động và cho vay vàng để tránh rủi ro

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam, người dân có thói quen mua vàng để cất trữ, định giá và thanh toán. Thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng. Việc lưu thông, huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng, do đó, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu sắp xếp lại thị trường vàng khi thông tin sẽ tính toán thời gian thuận lợi  để chính thức chấm dứt huy động và cho vay vàng. Một nguồn tin cho biết, "thời gian thuận lợi này" có thể trong tháng 5 hoặc tháng 6.
Sau nhiều lần rục rịch, từ thu hẹp huy động và cho vay vàng đến hạ lãi suất huy động vàng xuống 0,5%/năm, Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu sắp xếp lại thị trường vàng khi thông tin sẽ tính toán thời gian thuận lợi  để chính thức chấm dứt huy động và cho vay vàng.

Một nguồn tin cho biết, "thời gian thuận lợi này" có thể trong tháng 5 hoặc tháng 6.

Cấm là để đảm bảo quyền lợi cho dân

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam, người dân có thói quen mua vàng để cất trữ, định giá và thanh toán. Thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng. Việc lưu thông, huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng, do đó, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, việc huy động và cho vay bằng vàng được mở rộng cũng làm tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường “ngầm” về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Thực tế thời gian qua, việc cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực phi sản xuất, là lĩnh vực Nhà nước không khuyến khích.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng, giá trị bằng vàng thay đổi rất nhanh, khả năng chụp giật tạo ra một rủi ro lớn vì bản thân vàng chỉ là vật trung gian thôi chứ không phải là sản xuất kinh doanh. Việc cho vay vàng cũng biến động rất khôn lường, nay ở người này, mai ở người khác. Đây là vật dễ bị găm giữ, dễ bị đầu cơ, làm công cụ cho lừa lọc, khả năng nợ quá hạn là nhiều, thậm chí khả năng không thu hồi được nợ là rất lớn.

Ông Kiêm cũng cho rằng, vàng cũng không phải là tín hiệu để phục phục vụ cho đời sống, phục vụ cho sản xuất, tạo công ăn việc làm. Tất cả những yếu điểm ấy làm cho tình hình huy động và cho vay trong thời gian vừa qua bị hạn chế.

"Quyết định cấm này là để giải quyết những tồn tại đang có, đảm bảo quyền lợi cho người dân, cũng như giảm thiểu những méo mó của chính sách tiền tệ," ông Kiêm khẳng định.

Cấm hướng này nên mở hướng khác

Một số doanh nghiệp và ngân hàng cho rằng, việc cấm các hoạt động trên sẽ đóng băng một lượng tài sản trong dân. Người dân Việt Nam từ xưa đến nay có thói quen cất giữ tài sản bằng vàng và một bộ phận vẫn còn thói quen thanh toán bằng vàng. Con số vàng trong dân là không nhỏ và nếu để nó nằm ngoài hệ thống ngân hàng sẽ là một lãng phí lớn. Trường hợp ngân hàng không huy động, số lượng vàng mà người dân đang gửi tại ngân hàng hiện nay sẽ đi đâu.

Ông Kiêm lại cho rằng, quyết định này không ảnh hưởng đến vàng của dân, người dân vẫn được găm giữ, mua bán vàng. Giữ thì không có vấn đề gì, chỉ khác là ở chỗ giờ muốn bán thì phải bán cho tổ chức được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh và mua theo giá thị trường.

Còn theo Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú, để thị trường hoạt động một cách có tổ chức là rất nên, nhưng quản lý thế nào, tổ chức thế nào thì cần cân nhắc vì còn ảnh hưởng nhiều tới thói quen tiêu dùng, đầu tư. Lộ trình dừng huy động và cho vay vàng sắp tới phải đảm bảo làm sao để thị trường vàng vận hành đúng theo cơ chế thị trường, thu hút được lượng vàng lớn đang tồn tại trong dân.

Ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện vào khoảng 300-400 tấn, tương đương 16-20 tỷ USD.

Theo một chuyên gia tài chính, nếu đã cấm huy động, cho vay thì cần phải mở ra sàn vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sàn vàng là sàn vàng vật chất, mua thật - bán thật chứ không phải vàng ảo. Nhà đầu tư nào có vàng thì mở tài khoản vàng tại ngân hàng. Sàn đứng ra chỉ định một số ngân hàng thương mại lớn, thanh khoản tốt làm trung gian thanh toán. Bước đầu chưa cho tư nhân tham gia, sau khi đã phát triển thì dần mở rộng quy mô.

Một số chuyên công ty kinh doanh vàng bạc lại kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước có thể tính tới giải pháp phát hành tín phiếu huy động bằng vàng. Nhà nước lúc cần thì mượn của dân, khi nào người dân có nhu cầu thì bán lại. Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra mua lại vàng miếng và coi đó là nguồn dự trữ ngoại hối nhưng cần kèm theo biện pháp phòng chống rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lần lượt đóng cửa các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng qua tài khoản ở nước ngoài, ngân hàng trở nên chật vật với lượng vàng huy động vào mà không thể cho vay. Nhiều ngân hàng chỉ có thể cho vay 20-30% lượng vàng đã huy động vào, trong khi không còn công cụ bảo hiểm rủi ro vì phải dừng giao dịch tài khoản ở nước ngoài.

Cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư thu hẹp hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, từ tháng 10/2010 đến nay, các ngân hàng thương mại đã từng bước giảm lãi suất huy động vàng, cũng như cơ cấu theo hướng rút dần các kỳ hạn huy động. Hiện lãi suất huy động vàng tại các ngân hàng đều ở mức rất thấp, phổ biến dưới 0,3%/năm; cá biệt trên 0,5%/năm ở một số kỳ hạn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục