Bàn về cơ cấu, quyền hạn của thanh tra Chính phủ

Bàn về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên xây dựng cơ quan thanh tra theo hướng độc lập.
Sáng 26/7, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã kết thúc phiên họp thứ 32, cho ý kiến một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đã được Quốc hội (khóa XII) thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Các đại biểu tập trung thảo luận về địa vị pháp lý và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; thanh tra chuyên ngành; trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; thanh tra khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và thanh tra xây dựng quận, huyện, xã phường, thị trấn; thanh tra nhân dân.

Về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở hai phương án. Một là, tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện quyền quản lý nhà nước trong tổ chức và hoạt động thanh tra tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ khác và theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Hai là, trong trường hợp chưa thể thực hiện được theo như phương án 1, cần tổ chức hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng trong dự án Luật, cần xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra trong trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không xác minh làm rõ, không kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý hoặc xử lý không triệt để.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, phân tích từng nội dung, phương án nói trên. Các ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh, Trần Thế Vượng, Trưởng ban dân nguyện và một số thành viên khác cho rằng, không nên xây dựng cơ quan thanh tra theo hướng độc lập vì đây là cơ quan giúp việc cho cơ quan quản lý nhà nước. Và nếu sửa luật theo hướng xây dựng cơ quan thanh tra độc lập sẽ phải sửa một số văn bản pháp luật khác.

Cũng không nên đặt vấn đề thành lập thanh tra chuyên ngành hay không mà nên nhấn mạnh chức năng kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong thực tế lâu nay, chưa quan tâm làm rõ chức năng kiểm tra trong hoạt động quản lý nhà nước, trong khi đó có hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

Ngược với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải xác định cơ quan thanh tra độc lập tối đa như các cơ quan hành pháp, lập pháp.

Một số ý kiến khác cũng đồng tình quan điểm này, bởi cho rằng cơ quan thanh tra phải mạnh thì hoạt động mới có hiệu lực, hiệu quả cao. Trong thực tế, nhiều đoàn thanh tra kết luận xong, được Thủ tướng Chính phủ đồng tình và yêu cầu đơn vị bị thanh tra thực hiện nhưng đơn vị không thực hiện và cũng không sao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần lưu tâm đến vấn đề này khi xem xét đến vị trí, thẩm quyền và tổ chức của cơ quan thanh tra.

Tại phiên thảo luận, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng cho biết, thực hiện như Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) không làm tăng biên chế lực lượng thanh tra mà lại giảm. Đơn cử, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Tổng cục thuế các cấp hiện nay khoảng 8.000 người. Nếu thực hiện theo dự thảo, sẽ giảm được phần lớn trong con số 8.000 người này, ở Tổng cục Hải quan cũng vậy.

Dự án Luật cũng đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp đã tiến hành thanh tra rồi mà cơ quan khác lại phát hiện sai phạm và chưa được xử lý... Trong thực tế, các kết luận thanh tra cũng đều chỉ rõ nguyên nhân đúng-sai và kiến nghị xử lý. Vì vậy, cơ quan thanh tra phải có tính độc lập tương đối.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị ban soạn thảo và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp và lấy thêm ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục