Cập nhật trên 7.400 thủ tục vào cơ sở dữ liệu quốc gia

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, trong quý I, tới nay đã có 7.459 thủ tục được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia thủ tục hành chính.
Trong quý I/2012, các bộ, ngành đã ban hành 26 Quyết định công bố 168 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý; các địa phương đã ban hành 305 quyết định công bố 3.692 thủ tục thuộc phạm vi giải quyết; Văn phòng Chính phủ đã kiểm soát chất lượng và cập nhật 7.459 thủ tục vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, công khai trên mạng Internet.

Đây là đánh giá của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tại buổi giao ban định kỳ với các bộ, ngành về công tác kiểm soát thủ tục hành chính quý I/2012.

Việc công bố công khai và cập nhật kịp thời các thủ tục mới ban hành hoặc được sửa đổi của các bộ, ngành này đã tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức và cán nhân, tổ chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục được nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định; đồng thời người dân, doanh nghiệp cũng giám sát được việc tuân thủ quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước.

Thực hiện 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, các bộ, ngành đã xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa các thủ tục. Tính đến 15/3, trong số 4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa và đang trình cấp có thẩm quyền văn bản để đơn giản hóa 3.485 thủ tục.

Đến nay đã có 18/24 bộ, cơ quan và 54/63 tỉnh, thành phố ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tác động của các quy định về thủ tục hành chính vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền bộ, ngành, địa phương. Với sự kiểm tra, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, việc đánh giá tác động của các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản đã có nhiều tiến bộ, chất lượng quy định về thủ tục được nâng lên, bảo đảm sự cần thiết và tính hợp lý, hợp pháp, có chi phí tuân thủ thấp. Các tỉnh, thành phố đã tiến hành đánh giá tác động và hệ thống các đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc đã tham gia ý kiến đối với 162 thủ tục được quy định trong 54 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ, ngành đã đánh giá tác động và các đơn vị kiểm soát trực thuộc bộ, ngành đã tham gia ý kiến với 189 thủ tục được quy định trong 56 dự thảo văn bản. Văn phòng Chính phủ đã tham gia ý kiến đối với các quy định thủ tục hành chính tại 21 dự án, dự thảo văn bản. Các ý kiến tham gia đã hỗ trợ các cơ quan chủ trì soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về thủ tục ngay từ khâu dự thảo, góp phần từng bước nâng cao chất lượng các quy định về thủ tục hành chính, đảm bảo chỉ duy trì và và ban hành những thủ tục thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.

Ngay trong quý I, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát 30 thủ tục hành chính được quy định tại 11 văn bản và các tỉnh, thành phố đã rà soát 124 thủ tục được quy định tại 24 văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo đánh giá của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng… chưa công khai hoặc không công khai đầy đủ thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Việc tổ chức tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại nhiều bộ, ngành, địa phương còn hình thức, người dân, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, tin tưởng, kết quả xử lý chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.

Tại giao ban, nhiều ý kiến đề xuất đã được đại diện các bộ, ngành đưa ra, trong đó tập trung đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sớm có hướng dẫn cụ thể về cải cách thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước; xây dựng thông tư hướng dẫn tính toán đánh giá tác động và rà soát các quy định về thủ tục hành chính làm cơ sở pháp lý cho các bộ ngành triển khai; có văn bản hướng dẫn cụ thể việc rà soát theo chuỗi các quy định, thủ tục hành chính theo Quyết định 253/QĐ-TTg.

Vấn đề chế độ cho cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính cũng được nhiều đại biểu đề cập, với mong muốn tạo “đòn bẩy” để giúp các chuyên viên toàn tâm toàn ý với công việc bởi trên thực tế hiện nay các bộ, ngành đều có chỉ tiêu biên chế cho bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính nhưng không lấy được cán bộ vì chế độ thấp, không ai muốn về./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục