Tìm người thân mất tích

Người Nhật gắng gượng tìm người thân mất tích

Thảm họa hạt nhân khiến nhiều người quên mất rằng, người dân ở vùng bị thiên tai vẫn đang sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề

Thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima dường như đã khiến nhiều người quên mất rằng, người dân Nhật ở các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần vẫn đang phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Phóng sự sau của hãng AP sẽ cho thấy những thực tế khắc nghiệt mà người dân tại các khu vực này đang phải đối mặt.

Dòng nối dòng, một bản danh sách dài được dán trên tường của tòa thị chính liệt kê những người thiệt mạnh trong thảm họa kép. Một số đã xác định được danh tính, một số thì chưa, chỉ có vài dòng nhận dạng ngắn ngủi.

Nữ. Khoảng 50 tuổi. Có một túi lạc ở túi ngực trái. Nốt ruồi lớn. Đeo đồng hồ Seiko.

Nam. Khoảng 70-80. Mặc một chiếc tạp dề có dòng chữ “Rentacom”.

Một người đàn ông chăm chú dán mắt vào bản danh sách rồi lẩm bẩm “Chắc là mẹ mình”, nói rồi vội rảo bước ra ngoài trời tuyết để đến một nhà xác mới được dựng tạm.

Bản danh sách nói trên được dán ở Natori, cũng như ở nhiều nơi khác dọc bờ biển miền Bắc Nhật Bản. Danh sách ấy cứ ngày một dài ra.

Gần một tuần sau trận động đất 9,0 độ Richter, kèm theo đó là cơn sóng thần khủng khiếp, con số người chết được các nhà chức trách xác nhận đã lên tới 4.300. Hơn 8.000 người vẫn còn đang mất tích và hàng trăm quốc gia cùng các tổ chức quốc tế đã gửi những đội cứu nạn tới Nhật, những mong tìm được những người mất tích ấy.

Tại thành phố công nghiệp Kamaishi, 70 người lính cứu hỏa Anh với bộ đồng phục màu cam đang cố gắng tìm kiếm các nạn nhân còn kẹt lại trong một căn nhà đổ sụp. Họ cũng đeo những thiết bị phòng độc với nỗi lo nhiễm phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ ở phía Nam. Họ tìm thấy xác một phụ nữ bị một chiếc tủ lạnh đè lên bên trong ngôi nhà.

Công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương (ẢNh: AP)

Trong khi đó, nhiều người vẫn tiếp tục dán mẩu giấy nhắn tìm kiếm thân nhân lên trên tường của ngôi nhà tạm cũng như tại nơi công cộng, với tia hy vọng mỏng manh về người thân của mình. Những mảnh giấy dán ở cửa sổ của tòa thị chính Natori viết:

“Tôi đang tìm một cụ ông, 75 tuổi, làm ơn liên lạc với tôi khi tìm thấy”.

“Kento Shibayama hiện đang ở trung tâm cứu hộ, đằng trước phòng tập thể hình”.

“Gửi Miyuki Nakayama: Mọi người trong nhà đều OK! Con hãy sớm về nhà nhé, cả nhà đang chờ con”.

Các nhà chức trách địa phương cũng đã cho dán một danh sách 5.000 người đang trú ở khu nhà tạm. Yu Sato, 28 tuổi, đang hì hụi dán ảnh, nói “Chúng tôi sẽ đưa danh sách này lên Internet để những người ở xa cũng có thể tìm kiếm”.

Còn tại thị trấn Otsuchi, bà Reiko Miura đang dò tìm những danh sách như trên. Bà đang tìm kiếm người cháu bị mất tích sau cơn sóng thần. Đó là một cuộc đấu tranh thực sự, với đống đổ nát của nhà và xe bị bùn đất vùi lấp.

Bà Reiko đang tìm đứa cháu trên căn nhà đã bị san bằng.

Những cuộc tìm kiếm như thế vẫn tiếp tục. (Ảnh AP, AFP)

“Tôi cam đoan là nhà tôi nằm ở đây. Đó là một căn nhà lớn”, bà tiến đến một địa điểm mà bà linh cảm rằng đó chính là nhà mình. Tuy nhiên, không có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy cháu trai bà còn sống.

Những hậu quả mà trận động đất để lại là quá lớn, và thật khó để mà hình dung rằng thành phố này sẽ được tái thiết như thế nào sau khi đã bị san bằng gần như hoàn toàn. Qua mỗi con phố là lại mở ra một cảnh tượng đổ nát kinh hoàng. Kesen giờ thật giống như một thành phố ma.

Miyuki Kanno, sống cách đó vài dặm, đạp xe qua những đống bùn đất và những con đường lầy lội đẻ tìm kiếm những người thân mất tích. Ông đoán rằng phải mất 20 năm thì Kesen mới có thể hồi sinh. “Quê hương tôi vẫn sẽ là quê hương tôi. Họ sẽ xây dựng lại. Tôi không biết những người trẻ có quay lại hay không, nhưng chắc chắn là họ sẽ tái thiết thành phố”, ông nói.

Cách xa hơn về phía Bắc, ở Ofunato, cụ ông Keiichi Nagai 72 tuổi thì không chắc chắn vè điều đó. Ông cụ đứng trên một khoảng đất trống, phần trũng nhất của thành phố, lắc đầu và lặp đi lặp lại: “Chẳng còn lại cái gì, chẳng còn lại cái gì”.

“Nơi này đã bị san bằng, cư dân mất đến một nửa. Những người còn sống sót sẽ không tiếp tục ở lại đây vì họ nghĩ rằng nó quá nguy hiểm. Nhỡ đâu một con sóng thần mới sẽ xuất hiện thì sao. Họ sẽ chuyển đến nơi khác, cao ráo hơn”, ông nói.

Ông Keiichi, nằm trong số 430.000 người đang sống trong những ngôi nhà tạm, có quá nhiều phiền muộn khi nghĩ về tương lai của mình.

Có khoảng 350 người đang trú tại phòng tập thể hình và hội trường của trường trung học Ofunato. Những người già quay xung quanh chiếc lò sưởi đốt ga, lũ trẻ thì chơi bóng đá trên mặt sân bóng chày phủ đầy tuyết.

"Tất cả những gì tôi nghĩ đến bây giờ chỉ là thức ăn và sưởi ẩm" (Ảnh: Xinhua).

Tại Kesennuma, một thành phố ven biển khác, Kayoko Watabe, một phụ nữ 58 tuổi, vẫn mặc nguyên mộ bộ quần áo kể từ lúc cơn sóng thần ập đến. Bà và những người thân đang sống trong cảnh thiếu điện, sưởi và nước. Tất cả nằm la liệt ở hội trường lớn của trung trung học, nơi quân đội cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân.

“Chúng tôi chưa từng trải qua những thời khắc như thế này”, bà nói, “Tất cả những gì mà tôi nghĩ đến bây giờ chỉ là thức ăn và sưởi ấm”./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục