Đầu Xuân đi nghe hát ca trù ở làng Tiểu Than

Ở thôn Tiểu Than, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, những người cao tuổi đang nỗ lực khôi phục và duy trì hoạt động của những điệu hát ca trù.
Chúng tôi có dịp về thôn Tiểu Than để tìm hiểu Câu lạc bộ ca trù do những người cao tuổi đang nỗ lực khôi phục và duy trì hoạt động. Đây là câu lạc bộ trù duy nhất ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Trong ngồi nhà thờ Tổ của ca trù Tiểu Than, dưới nền nhà, hai chiếc chiếu được trải và bày trà nước. Trong cái rét của tiết trời đông, các cụ ngồi đối diện hai bên bệ thờ Tổ, thắp hương trước khi vào hát.

Các cụ trong câu lạc bộ cho biết, theo gia phả của dòng họ Nguyễn Thiết thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh thì từ năm 207 trước Công nguyên, họ nhà chò Nguyễn Thiết đã có người đi hát ở khắp nơi và thời kỳ vàng son của dòng họ là vào những năm cuối thế kỷ 19. Khi đó cụ Nguyễn Thiết Vinh đã được Tuần phủ Bắc Ninh cử dẫn đầu đoàn ca vũ vào Huế hát mừng thọ vua Tự Đức.

Bằng những cống hiến cho nghề, dòng họ đã được phong 5 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, do thăng trầm lịch sử, ca trù đã bị mai một và quên lãng. Tới năm 2008, con cháu của dòng họ Nguyễn Thiết mới dựng lại nhà thờ tổ, khôi phục lại nghề hát bằng việc hình thành câu lạc bộ ca trù Tiểu Than.

Những ngày đầu dựng lại nghề cũng muôn vàn khó khăn, hầu hết chưa ai được đi theo hát và các làn điệu cổ, hầu như không ai còn nhớ, chỉ được lưu lại trên các văn tự cổ. Tài sản duy nhất của câu lạc bộ là 2 cây đàn cổ và 5 đạo sức phong.

Để lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này, các cụ trong câu lạc bộ đã mời một số nghệ nhân ca trù nổi tiếng về dạy hát và nhanh chóng thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Với hình thức học từng bài, từng cách gõ phách, đánh đàn, đến nay câu lạc bộ đã hát thành thục nhiều làn điệu.

Hiện nay, câu lạc bộ đã có 21 hội viên chính thức và mộ số bạn trẻ chưa kết nạp hội viên. Người cao tuổi là cụ Hoàng Văn Thủy (84 tuổi), người ít tuổi nhất là 14 tuổi.

Ông Nguyễn Thế Sưu, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Để nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ, các thành viên đã xây dựng điều lệ sinh hoạt, tập luyện cụ thể và đóng góp kinh phí. Chúng tôi thường sinh hoạt vào tối thứ Bảy và chủ nhật, ở thôn từ cụ già đến các cháu thiếu nhi đều yêu ca trù, ban chủ nhiệm là các cụ có kinh nghiệm, các kép đàn, cô đào hát là các bà, các chị, các cháu thiếu nhi...”

Sau khi được nghe một vài ca nương là những cụ lớn tuổi hát những bài ca trù khá quen thuộc như: "Lời thề non nước," "Chu Mạnh Chinh"... chúng tôi còn ngạc nhiên hơn bởi giọng hát của hai ca nương nhỏ tuổi đang cắp sách đến trường.

Đó là em Trần Thị Hà, học sinh lớp 5A trường Tiểu học Vạn Ninh. Hà cho biết, từ nhỏ em đã được theo các cụ nghe hát và dần cảm thấy yêu thích làn điệu ca trù, từ đó cứ mỗi tối thứ Bảy và chủ nhật em lại theo các cụ trong câu lạc bộ đi hát, vừa được nghe, vừa được các cụ trong câu lạc bộ dạy hát, đến nay em đã hát thuần thục được khá nhiều bài.

Em Nguyễn Thị Nga, học sinh lớp 7, trường Phổ thông cơ sở xã Vạn Ninh cho biết, em đam mê làn điệu ca trù từ bé và theo học khi được các cụ trong câu lạc bộ đánh giá là có chất giọng cao, chuẩn, phù hợp với ca trù.

Theo cụ Nguyễn Đức Thị, đây là hai trong số 10 em nhỏ tham gia học hát và đã hát khá thuần thục các làn điệu ca trù. Ngoài việc duy trì hoạt động, câu lạc bộ còn chú trọng đến việc đào tạo lớp trẻ kế cận... Tết cổ truyền Tân Mão đã cận kề, cứ vào Mồng 2 Tết hàng năm, câu lạc bộ tổ chức hát ở Đình làng và những ngày diễn ra lễ hội ở làng.

Ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng với sự tâm huyết của các thành viên câu lạc bộ Ca trù, Tiểu Than vẫn cần hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền để khôi phục và phát triển rộng rãi loại hình nghệ thuật này cho thế hệ mai sau./.

Thái Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục